Kinh tế

Doanh nghiệp cần sự thay đổi từ chính quyền

Bài 2: Cần xây dựng cơ chế đối thoại với doanh nghiệp

08:32, 24/06/2016 (GMT+7)

Bên cạnh việc xây dựng những chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố cần nghiên cứu những chương trình “dài hơi”, góp phần tạo nền tảng cho thúc đẩy thành phố khởi nghiệp, đưa Đà Nẵng thực sự là nơi để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn…

Việc xây dựng một cơ chế cụ thể, rõ ràng sẽ giúp cho hoạt động đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp diễn ra thường xuyên và hiệu quả hơn.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Việc xây dựng một cơ chế cụ thể, rõ ràng sẽ giúp cho hoạt động đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp diễn ra thường xuyên và hiệu quả hơn. Ảnh: KHÁNH HÒA

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong khu vực

Theo ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chính thức có hiệu lực, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp nhận các dòng tiền đầu tư lớn từ nước ngoài. Với bối cảnh như vậy, Đà Nẵng nên đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư về công nghệ, dịch vụ chuyển giao công nghệ.

Ông Hà Đức Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho biết, hiện nay công tác xúc tiến thương mại chưa thực sự bài bản, đa số do các doanh nghiệp tự thực hiện thông qua các mối quan hệ riêng tư. Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố đang xây dựng chương trình xúc tiến và kết nối với các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực này đang rất khó phát triển vì thiếu liên kết, nếu không kết nối mạnh thì tương lai càng tụt hậu so với 2 khu vực năng động là miền Nam và miền Bắc. Hội cũng mong muốn chính quyền thành phố đồng hành với doanh nghiệp để xúc tiến mạnh tại khu vực này.

Nên xây dựng cơ chế đối thoại với doanh nghiệp

Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Máy và Thiết bị phụ tùng Seatech nhìn nhận, lãnh đạo Đà Nẵng luôn có tinh thần cầu thị, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tinh thần này cùng các chính sách hỗ trợ luôn được phát huy xuyên suốt qua các thế hệ lãnh đạo cao nhất của thành phố, tạo được niềm tin trong doanh nghiệp. Để luôn phát huy được thế mạnh này, thành phố nên xây dựng cơ chế đối thoại với doanh nghiệp một cách cụ thể, rõ ràng. Khi đã có cơ chế, hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp sẽ diễn ra thường niên và hiệu quả hơn, thay vì chỉ tổ chức 1 - 2 lần/năm như hiện nay.

Đồng tình với ý kiến này, bà Lê Thị Nam Phương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường tiểu học và THCS Chất lượng cao Sky-line thành phố Đà Nẵng cho rằng, hiện nay các Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham dự giao ban hằng tháng với lãnh đạo thành phố, nhờ vậy những vướng mắc của doanh nghiệp được phản ánh kịp thời và giải quyết nhanh chóng. Bà Nam Phương kiến nghị: “Tôi hy vọng thời gian tới, Hội Doanh nghiệp ở các quận/huyện sẽ được tham dự vào những buổi giao ban hằng tháng với lãnh đạo các quận/huyện.

Những vướng mắc nào cấp quận/huyện giải quyết được sẽ giải quyết luôn. Đồng thời, nên thành lập một cơ quan đầu mối để tiếp nhận, tổng hợp những vướng mắc, yêu cầu từ doanh nghiệp chuyển tới và có thời hạn giải quyết cụ thể. Nếu làm được như vậy, khó khăn của doanh nghiệp được tháo gỡ nhanh hơn, doanh nghiệp được tham gia sâu hơn vào việc xây dựng chiến lược, chính sách của thành phố”.

Quyết tâm xây dựng thành phố khởi nghiệp

Ủng hộ chủ trương xây dựng Đà Nẵng thành thành phố khởi nghiệp, ông Lý Đình Quân, Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng cho rằng, khởi nghiệp là xu thế tất yếu và động lực để phát triển thành phố. Đà Nẵng cần xây dựng môi trường khởi nghiệp có sự hợp tác, liên kết của nhiều nguồn lực trong xã hội như chính quyền, trường học, viện nghiên cứu, các hiệp hội, doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các đơn vị truyền thông.

Theo ông Quân, cần xây dựng hệ thống mạng lưới khởi nghiệp có kết nối với các thành phố lớn và quốc tế; phát triển các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, trường nghề tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đưa các bộ môn khởi nghiệp vào các trường học để nâng cao nhận thức và kỹ năng; kêu gọi các nguồn lực để đầu tư các vườn ươm doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu kỹ thuật; có chính sách và cơ chế hỗ trợ phát triển, xuất khẩu các sản phẩm khởi nghiệp.

Ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho rằng, thành phố cần huy động nguồn lực trong và ngoài nước nhằm nâng đỡ các dự án khởi nghiệp thành công. Khi hoạt động khởi nghiệp diễn ra sôi nổi, môi trường kinh doanh được cải thiện sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của chính doanh nghiệp cũng như nền kinh tế thành phố.

KHÁNH HÒA

.