Kinh tế
Thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng ổn định
Theo báo cáo của Sở Công thương, 6 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 24.605 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2015. Công nghiệp chế biến tăng 11,3%, ngành khai khoáng tăng 18%, ngành điện-khí tăng 11,7%, ngành cấp nước và xử lý rác tăng 11,2%...
Với dây chuyền sản xuất công nghệ mới, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ tự tin hội nhập. ảnh: Đức Thịnh |
Một số ngành hàng có mức tăng trưởng tốt nhờ có thị trường tiêu thụ ổn định, có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng đã đi vào giai đoạn khai thác phát huy công suất như săm lốp ô-tô, linh kiện điện tử, đồ chơi trẻ em, may mặc, bia, cấu kiện kim loại, bê-tông, giấy bìa, vải... Nội bộ ngành công nghiệp chế biến-chế tạo vẫn đóng vai trò chủ đạo cho sự tăng trưởng chung, trong đó một số ngành tăng trưởng khá cao như sản xuất bê-tông tăng 41,1%, sản phẩm điện tử-máy vi tính tăng 29,4%, cấu kiện kim loại tăng 25,2%, dụng cụ thể dục thể thao tăng 23,3%, săm lốp cao su tăng 17,6%, đồ chơi tăng 7,9%, may trang phục tăng 7,3%, giày dép tăng 5,9%. Đặc biệt, ngành điện đã bảo đảm đủ điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng chưa cắt điện khu vực nào do quá tải.
Đạt được kết quả trên, nhờ một số cơ sở sản xuất có giá trị lớn (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI) sau khi đổi mới thiết bị, công nghệ đã phát huy hiệu quả. Điển hình như các dây chuyền sản xuất của Nhà máy sản xuất lốp ô-tô toàn thép của Công ty CP Cao su Đà Nẵng gần đạt công suất thiết kế; hàng loạt dây chuyền may mới của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3 và các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực linh kiện điện tử.
Điểm nhấn quan trọng của ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm là sự hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực khởi nghiệp. Hàng loạt các doanh nghiệp mới với đề án phát triển khả thi được khởi động và đăng ký hoạt động. Hầu hết trong số các doanh nghiệp mới này là do những doanh nhân trẻ thành lập, trong đó có cả các doanh nghiệp do những sinh viên làm chủ, với nhiều ngành nghề mới, phù hợp với xu thế hội nhập.
Trong đó nổi lên là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch và hàng thủ công mỹ nghệ. Các trường đại học, đặc biệt là Trường Đại học Duy Tân đưa chương trình khởi nghiệp vào giảng dạy và tham gia định hướng ngành nghề cho sinh viên. Tuy nhiên, việc thành lập các quỹ hỗ trợ của thành phố và các tổ chức xã hội diễn ra khá chậm, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, các nhà tài trợ tham gia, nên việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó còn hạn chế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ do các doanh nhân trẻ mới thành lập.
Hiệu lực của Cộng đồng kinh tế ASEAN và một số hiệp định kinh tế song phương khác giữa Việt Nam và các đối tác đã có hiệu lực, nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn rất lúng túng trong việc hòa nhập vì rất mơ hồ với các hiệp định nói trên. Vì vậy, ngành Công thương và các ngành chức năng cần có giải pháp kịp thời nhằm tuyên truyền, phổ biến để định hướng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động hội nhập để phát triển sản xuất, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành trong tương lai.
Đức Thịnh