Kinh tế
Cải cách thể chế là vấn đề bức thiết
Sáng 15-6, tại Đà Nẵng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế”.
Các khách mời của chương trình tham gia trả lời những câu hỏi của doanh nghiệp. Ảnh: DUYÊN ANH |
Hiệu suất của khu vực kinh tế tư nhân thấp
Theo VCCI Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp (DN) tư nhân, khoảng 4,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây là con số khá khiêm tốn sau hơn 30 năm đổi mới. Thêm vào đó, năng suất của khu vực tư nhân trong nước đang giảm sút mạnh, góp phần khiến tăng trưởng năng suất ở Việt Nam suy giảm. Giai đoạn 1993-2013, tăng trưởng năng suất lao động trung bình cả nước giảm từ 6% xuống còn gần 3%.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp chỉ ra: Hiện có 97% các DN tư nhân Việt Nam là DN nhỏ và rất nhỏ. Các DN này rất khó tăng năng suất bằng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, chuyên môn hóa và đổi mới sáng tạo - vốn là những nhân tố bảo đảm tăng trưởng bền vững. Trong khi đó, các “ông lớn” trong khu vực tư nhân lại thường chỉ tập trung vốn vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản và xây dựng - những lĩnh vực có mức tăng trưởng không cao ở Việt Nam hiện nay.
Với mong muốn sớm thúc đẩy nền kinh tế trong nước, nhiều ý kiến cho rằng: Muốn tạo động lực cho phát triển kinh tế tư nhân tất yếu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện tốt nhất môi trường kinh doanh cho các DN mà chủ yếu là DN tư nhân. Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đề xuất: Những thể chế cho nền kinh tế thị trường cần phải cạnh tranh hơn, được bảo vệ tốt hơn về quyền sở hữu tài sản. Điều này rất quan trọng. Hiện tại, những chính sách ưu tiên đã khiến các DN tư nhân không có được sự cạnh tranh công bằng. Các khu vực kinh tế tư nhân có nhiều cơ hội rất lớn khi hội nhập toàn cầu như TPP, hiệp định tự do thương mại châu Âu. Cần phải khai thác triệt để cơ hội này thì các doanh nghiệp tư nhân lại phát triển nhanh chóng một lần nữa.
Coi doanh nghiệp tư nhân là động lực
Ở góc độ DN địa phương, ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng nhìn nhận: “Đúng ra, khu vực kinh tế tư nhân phát triển theo xu hướng thời đại, nhưng chúng lại teo tóp đi và phụ thuộc vào nhiều khu vực kinh tế khác. Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân gần đây ngày càng giảm sút mà nguyên nhân theo tôi là vấn đề liên quan đến thể chế. Thực tế cho thấy, cùng một thể chế nhưng GDP của mình thua kém người ta gấp 3 lần, như vậy, rõ ràng là cần phải làm gì để chuyển hóa môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Nếu không, DN tư nhân khó có lợi thế cạnh tranh”.
Khẳng định DN tư nhân chính là động lực để phát triển thành phố, ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố phân tích: Ở Đà Nẵng, gần 50-60% DN Nhà nước thua lỗ trước khi cổ phần hóa, các DN chưa cổ phần hóa thì lại không mạnh mẽ. Trong khi đó, DN tư nhân đóng góp 33% vào nguồn thu của thành phố. Chính cách nhìn về DN tư nhân không đúng đã kìm hãm sự phát triển chung của nền kinh tế, trong khi DN Nhà nước lại có hiệu quả thấp. Trong Đề án Phát triển DN tư nhân đến năm 2020 của thành phố, việc thay đổi cách tiếp xúc, làm việc của cán bộ, công chức Nhà nước với DN được coi trọng. Đội ngũ công chức tốt sẽ làm giảm đáng kể những phiền hà của DN trong việc thực hiện các thủ tục kinh doanh, tiếp cận vốn và đất đai…
Trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: Đà Nẵng đã có được những nền tảng phát triển trong nhiều năm qua, như hạ tầng giao thông, điều kiện y tế và nhiều mảng hoạt động hiệu quả, như an ninh trật tự, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đầu tư du lịch... Nhưng để địa phương đẩy mạnh được nội lực kinh tế, lĩnh vực kinh tế tư nhân sẽ là mảng được tập trung đầu tư, tạo mọi điều kiện để phát triển ổn định và bền vững.
Với tinh thần đó, thời gian đến, chính quyền địa phương sẽ rà soát, nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi và kêu gọi phát triển kinh tế tư nhân, nhất là về lĩnh vực tăng năng suất lao động và đạt hiệu quả đầu tư cao. Đà Nẵng ủng hộ các vấn đề và lộ trình báo cáo Khát vọng Việt Nam 2035 đã đặt ra, bởi đây cũng chính là những nội dung hành động mà Đà Nẵng cần có, nhất là tạo mọi điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế tư nhân, biến kinh tế tư nhân thành động lực mạnh mẽ cho địa phương phát triển.
DUYÊN ANH - KHANG NINH