Kinh tế

Doanh nghiệp gặp khó với Nghị định 86

08:06, 13/07/2016 (GMT+7)

Nghị định 86/NĐ-CP (NĐ86) của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 có tính “sống còn” đối với đơn vị kinh doanh trên lĩnh vực vận tải. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có nhiều doanh nghiệp chưa nắm được thông tin và khó thực hiện.

Việc xác định trọng lượng hàng container là một khó khăn với các doanh nghiệp ở miền Trung.   Ảnh: THANH VÂN
Việc xác định trọng lượng hàng container là một khó khăn với các doanh nghiệp ở miền Trung. Ảnh: THANH VÂN

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trên thực tế, NĐ86 đã được “chạy thử” trong suốt năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm vững nội dung. Mặc dù Tổng cục đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền rộng rãi đến các doanh nghiệp, mới nhất là tổ chức gặp mặt các đơn vị quản lý, các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải tại 3 miền trên cả nước.

Đà Nẵng chủ động thực hiện sớm

Riêng tại Đà Nẵng, Sở GTVT nỗ lực để đưa thông tin NĐ86 đến với tất cả đối tượng hoạt động trên lĩnh vực vận tải. Thông qua các hiệp hội vận tải taxi, vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, các thành viên hiệp hội đã được tập huấn, cung cấp tài liệu hướng dẫn thực hiện theo đúng tinh thần của NĐ86. Đặc biệt, Sở GTVT, cụ thể là Phòng Quản lý vận tải và phương tiện, luôn mở cửa tiếp đón, tư vấn để các doanh nghiệp nắm thông tin kịp thời và chính xác trong quá trình thực hiện NĐ86.

Đà Nẵng là một trong số ít địa phương trên cả nước chủ động triển khai sớm một số nội dung trong NĐ86 và coi đó như điều kiện bắt buộc để bảo đảm thủ tục kinh doanh. Điển hình nhất là việc yêu cầu tất cả xe khách có cự ly hoạt động từ 300km trở lên, taxi, xe buýt đều phải trang bị thiết bị giám sát hành trình có kết nối về Trung tâm Quản lý vận hành đèn tín hiệu và giao thông công cộng thành phố để quản lý. Hoặc như yêu cầu các đơn vị vận tải hành khách phải xây dựng kế hoạch về bảo đảm an toàn giao thông... Đặc biệt, Bến xe Trung tâm thành phố từ hơn năm qua đã siết chặt công tác quản lý các phương tiện theo đúng tinh thần của NĐ86.

Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Viết Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe cho biết: “100% xe khách đăng ký hoạt động tại Bến xe Trung tâm đều bảo đảm các yêu cầu như: trang bị thiết bị giám sát hành trình, có kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm đủ tài xế với các tuyến đường dài từ 300 km trở lên... Nếu đơn vị nào không đáp ứng được, chúng tôi kiên quyết không cho vào bến hoạt động”.

Nhận xét về các xe đăng ký hoạt động tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, Trung tá Nguyễn Bá Cường, Phó trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Cửa ô Hòa Nhơn cho biết: “Thời gian gần đây, hầu hết xe xuất bến từ Bến xe Trung tâm thành phố đều thực hiện nghiêm túc các quy định về điều kiện kinh doanh. Các thủ tục xuất bến, niêm yết giá cước, thiết bị giám sát hành trình... đều đầy đủ. Vào đầu hoặc cuối tuần, chúng tôi thường phát hiện về lỗi chở quá số người nhưng đa số rơi vào những doanh nghiệp nhỏ hoạt động không thường xuyên, hoặc các phương tiện hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng, xe trung chuyển”.

Khó khăn khi thực hiện

Qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp nhỏ tỏ ra khá... ngơ ngác vì không biết gì về NĐ86 cũng như thời hạn có hiệu lực. Ông N.T, chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) T.A tâm sự, không riêng gì doanh nghiệp của ông mà hầu hết các DNTN đều ít tham gia các hiệp hội nên không biết NĐ86; nếu nắm được thông tin gì thì chủ yếu qua đài, báo. Cá biệt, đại diện một số doanh nghiệp cho biết, có tìm hiểu về NĐ86 nhưng quá khó để thực hiện. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, với quy định yêu cầu xe khách có tuyến cố định từ 300km trở lên nếu trụ sở đơn vị đóng tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có ít nhất 20 xe trở lên.

Như vậy, nếu thực hiện đúng quy định này thì tại Đà Nẵng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, vì phổ biến nhất tại Đà Nẵng vẫn là những doanh nghiệp có quy mô dưới 10 xe. Hoặc như quy định mỗi lần thay đổi phương án kinh doanh thì phải đợi cơ quan cấp phép phê duyệt xong mới được hoạt động, theo các doanh nghiệp, quy định này khó thực hiện vì lâu nay, doanh nghiệp vận tải vốn rất linh động các hình thức hoạt động nhằm khai thác tối đa phương tiện.  

Riêng các hợp tác xã, DNTN vận tải rất băn khoăn trước quy định về điều khoản hợp đồng giữa người lao động với chủ đơn vị sử dụng lao động. Lý do là ở nhiều hợp tác xã, DNTN hiện nay, người sử dụng lao động cũng chính là người lao động nên không thể thỏa mãn các yêu cầu quy định theo mẫu hợp đồng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container lại tỏ ra khá lo lắng về quy định cân toàn bộ trọng lượng container để đáp ứng những quy định theo vận tải hàng hải quốc tế. Ông Lê Tiến Thành, Giám đốc Công ty CP Vận tải Trường Thịnh cho rằng, quy định như vậy là rất khó với doanh nghiệp vận tải ở khu vực miền Trung. Hiện nay, ngoài Cảng Đà Nẵng có cân tải trọng tổng cho cả xe, nhiều cảng ở miền Trung thiếu loại cân này nên rất khó áp dụng. Đó là chưa kể đặc điểm của miền Trung là hàng hóa không tập trung, nhiều khi phải đi gom nhiều địa phương nên rất khó khăn trong việc cân trọng lượng cả container hàng.

Gặp nhiều khó khăn như vậy nên nhiều đơn vị vận tải mong muốn Chính phủ sớm điều chỉnh NĐ86 để phát huy tốt hiệu quả quản lý lẫn sản xuất kinh doanh.

THANH VÂN

.