Kinh tế

Nhiều cánh đồng lúa bỏ hoang

09:25, 14/07/2016 (GMT+7)

Vụ hè thu năm nay, huyện Hòa Vang gieo sạ 2.344ha lúa, ít hơn vụ đông xuân 327ha. Trong lúc đó, có nhiều cánh đồng lúa bỏ hoang hóa, rất lãng phí.

Một cánh đồng hơn chục héc-ta ở xã Hòa Sơn bỏ hoang.                 Ảnh: NGUYỄN CẦU
Một cánh đồng hơn chục héc-ta ở xã Hòa Sơn bỏ hoang. Ảnh: NGUYỄN CẦU

Vụ hè thu, đến các xã trung du, miền núi, rất dễ nhìn thấy những cánh đồng không canh tác, trâu bò thả sức gặm cỏ.  Nói về nguyên nhân ruộng bỏ hoang trong vụ hè thu, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho rằng, do không chủ động nước tưới nên không thể gieo sạ lúa. Huyện đã triển khai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng người dân không mặn mà hưởng ứng nên đành chấp nhận để ruộng hoang hóa.

Cánh đồng Cây Sanh, Hố Đều hơn 4ha của thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, sát bên đường tránh Nam Hải Vân, nhiều năm nay, cứ vụ hè thu là bỏ hoang. Ngày nào cũng vậy, trên cánh đồng khá bằng phẳng ấy, hàng chục con bò thản nhiên gặm cỏ. Khu vực phía trên, 4-5 vạt mè tươi tốt. Ông Lê Như Anh, Trưởng thôn Phước Hậu cho biết, toàn thôn có 75 hộ, nhưng chỉ có 15ha đất lúa, sản xuất 1 vụ/năm. Khoảng 10 năm trước, các cánh đồng của thôn đều canh tác 2 vụ lúa/năm. Thời gian gần đây, do nắng nóng khô hạn quá; hơn nữa, sát chân núi phía trên, các mỏ đá đi vào khai thác chặn luôn nguồn nước chảy về ruộng.

Hỏi ông Lê Như Anh rằng không canh tác lúa, sao không chuyển sang trồng cây khác, ông giãi bày: Nhiều đợt cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện về thôn triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa mè, đậu vào sản xuất nhưng người dân cho rằng, hiệu quả kinh tế không cao vì trồng đậu, mè khi mưa xuống bị ngập úng, thất thu.

Tìm đến các hộ trồng mè phía trên đồng Hố Đều của thôn Phước Hậu, chúng tôi được biết, thu nhập từ loại cây này cao hơn trồng lúa. Bà Đặng Thị Nhân, 1 trong 4 người trồng mè trên đất khô hạn cho biết, mè là loại cây chịu hạn và dễ canh tác. Hơn 2 tháng kể từ ngày gieo hạt là thu hoạch. Mỗi sào thu 2 triệu đồng. Có điều, chỉ ít hộ trồng, bò không ăn nhưng giẫm làm hư hỏng đáng kể.  

Hai xã Hòa Ninh, Hòa Sơn có diện tích ruộng lúa bỏ hoang nhiều nhất, hơn 200ha. Tại hai xã này, không ít cánh đồng cỏ lên xanh, song không ai sản xuất, trong khi đời sống người dân rất khó khăn. Ông Phạm Đình Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết: Đất lúa của địa phương 140ha, vụ hè thu này chỉ gieo sạ 40ha, số còn lại đành bỏ hoang. Xã cũng đã triển khai nhiều giải pháp, tích cực vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng cây khác nhưng hiệu quả thấp.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hòa Vang thực tế không khó, nhưng lâu nay người dân không nỗ lực triển khai nên không thực hiện được. Hệ quả là cứ vào vụ hè thu hơn 300ha đất lúa bỏ hoang hóa, rất lãng phí. Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp khả thi để các vụ hè thu tới không còn cảnh đến đâu cũng bắt gặp những cánh đồng hoang, đời sống người dân chậm cải thiện.

NGUYỄN CẦU

.