Kinh tế

Chú trọng khuyến công với sản xuất sạch hơn

08:09, 31/08/2016 (GMT+7)

Đến nay, sau hơn 10 năm Chương trình Khuyến công (KC) của thành phố triển khai theo tinh thần Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 9-6-2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) đã thu được những kết quả khả quan, nhất là chương trình sản xuất sạch hơn.

Sản xuất sạch hơn tại Xí nghiệp chế biến lâm sản Hòa Nhơn.
Sản xuất sạch hơn tại Xí nghiệp chế biến lâm sản Hòa Nhơn.

Vốn ít, hiệu quả cao

Chương trình đã hỗ trợ trực tiếp cho 47 doanh nghiệp (DN) về vốn để đổi mới thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, tiết kiệm năng lượng… và giúp cho 17 DN xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, còn tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho hàng ngàn lao động, hàng trăm cán bộ quản lý ở các DN nâng cao năng lực quản lý. Các DN được hỗ trợ về vốn, về đào tạo tay nghề… đã phát huy được hiệu quả vốn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, kỹ năng bán hàng, kỹ năng tiếp thị sản phẩm… Một số DN đã có vị trí nhất định trên thương trường như: sản phẩm nấm rơm của HTX An Hải Đông, sản phẩm lưu niệm du lịch của Cơ sở Điêu khắc đá Thanh Thiện, Công ty CP Cơ điện Đà Nẵng… Đặc biệt, chương trình đã tạo ra động lực mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, nhiều ngành nghề truyền thống được phục hồi, góp phần tích cực vào việc dịch chuyển cơ cấu lao động ở nông thôn.

Theo báo cáo của Sở Công thương, đến nay, toàn thành phố có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn và vùng ven, tăng trên 300 cơ sở so với năm 2005. Riêng huyện Hòa Vang - khu vực được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình, đã có bước chuyển biến mạnh về giá trị sản xuất công nghiệp. Tính đến giữa năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Hòa Vang đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với năm 2005. Các ngành nghề truyền thống từng bước được phục hồi như: các nghề chạm khắc đá mỹ nghệ (110 lao động), đào tạo nghề sản xuất chổi đót (150 lao động), nghề sản xuất đồ gỗ xuất khẩu (302 lao động), nghề may công nghiệp (350 lao động), nghề mây tre đan (200 lao động)... Những lao động này, hiện đều có việc làm và thu nhập ổn định, với mức 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.

Điểm nhấn sản xuất sạch hơn

Chương trình sản xuất sạch hơn là một trong những nội dung mà công tác khuyến công trên địa bàn chú trọng. Các hộ tuy sản xuất nhỏ nhưng đã có ý thức về sản xuất sạch hơn nhằm tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và đưa ra thị trường những sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong những năm qua, mặc dù nguồn vốn cho chương trình sản xuất sạch hơn mỗi năm chỉ vài trăm triệu đồng, mỗi DN chỉ vài chục triệu, nhưng với sự nỗ lực của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (gọi tắt là Trung tâm) đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo, hỗ trợ hàng chục DN là các hộ gia đình, DN vừa và nhỏ đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Với sự giúp đỡ của Trung tâm, Công ty Sản xuất sắt Thanh Tín đã thay đổi hệ thống làm mát thiết bị và sản phẩm từ công nghệ cũ là làm mát một lần sang hệ thống làm mát tuần hoàn. Với hệ thống mới này, nước sau khi ra khỏi hệ thống bể tách dầu, lắng cát sẽ được tuần hoàn tái sử dụng, tiết kiệm được rất nhiều nước, giảm giá thành và đặc biệt là thân thiện môi trường vì lượng nước thải giảm đi nhiều so với trước. Hàng chục cơ sở khác đang có những bước đi đúng đắn trong đầu tư với mục đích sản xuất sạch hơn, sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC Đà Nẵng, Công ty Chế biến và xuất khẩu thủy sản Thọ Quang, Xí nghiệp Nhựa Vũ Bình Minh, Công ty TNHH Thái An, Xí nghiệp Bao bì Thanh Phát, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường…

Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển công nghiệp nông thôn hiện nay thì những thành quả mà Chương trình Khuyến công nói chung và chương trình sản xuất sạch hơn của thành phố đạt được khá khiêm tốn. Số DN được hưởng lợi từ chương trình còn quá ít, nhất là việc hỗ trợ kinh phí trực tiếp để đổi mới thiết bị, công nghệ. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách còn hạn chế, đặc biệt là việc tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm (mới có 17/990 DN xây dựng được thương hiệu sản phẩm).

Để công tác khuyến công thời gian tới có hiệu quả hơn, cần tập trung rà soát, hoàn chỉnh các chính sách trong lĩnh vực khuyến công, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển. Trước mắt tập trung xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công thành phố và Chương trình khuyến công thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 để cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ, các mức chi hoạt động khuyến công địa phương cũng như cụ thể hóa hoạt động khuyến công trong thời gian tới. Ngoài ra, rất cần sự quan tâm hơn nữa của thành phố, các sở, ngành trong việc xây dựng chính sách khuyến công phù hợp, cũng như đáp ứng nguồn kinh phí phù hợp.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

.