Kinh tế

Kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án

08:06, 29/08/2016 (GMT+7)

Trong bất cứ doanh nghiệp nào, mối quan hệ giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn. Trong trường hợp xuất hiện tranh chấp lao động, đưa vụ việc ra tòa khởi kiện, cán bộ Công đoàn phải là người sát cánh đòi quyền lợi cho NLĐ. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ Công đoàn phải có kỹ năng trong giải quyết tranh chấp lao động.

Hội nghị tập huấn, hướng dẫn việc khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng.
Hội nghị tập huấn, hướng dẫn việc khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng.

Khi cán bộ Công đoàn làm “luật sư”

Điều 10 Luật Công đoàn 2012 quy định “Công đoàn có trách nhiệm đại diện cho NLĐ khởi kiện tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ bị xâm phạm và được NLĐ ủy quyền”. Tại Điều 10 Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10-5-2013 cũng quy định Công đoàn có quyền đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện tại tòa án khi quyền lợi bị xâm phạm. Gần đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Văn bản số 995/HD-TLĐ ngày 30-6-2016 “Hướng dẫn Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể”. Với những quy định của pháp luật, cán bộ Công đoàn chính là chỗ dựa vững chắc cho NLĐ khi xảy ra tranh chấp lao động. Cũng bởi thế, Công đoàn chính là nơi NLĐ tìm đến mỗi khi quyền lợi bị xâm phạm.

Điển hình, năm 2014, 5 công nhân Công ty CP Khí công nghiệp và hóa chất Đà Nẵng đề nghị Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố hỗ trợ vì công ty không giải quyết các chế độ theo đúng quy định khi nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động. Được sự ủy quyền của NLĐ, LĐLĐ thành phố khởi kiện doanh nghiệp tại tòa án. Sau quá trình xét xử, Tòa án Nhân dân quận Liên Chiểu kết luận Công ty CP Khí công nghiệp và hóa chất Đà Nẵng phải chi trả trợ cấp thôi việc, hoàn thành thủ tục xác nhận và trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ.

Hoặc một vụ việc gần đây nhất, 19 công nhân lao động tại Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng ủy quyền cho LĐLĐ thành phố khởi kiện công ty vì đã “giữ” tiền BHXH, trợ cấp thôi việc của NLĐ. Vốn là những công nhân gắn bó lâu năm với công ty, tuy nhiên, trong một thời gian dài, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ như khám sức khỏe định kỳ, bảo hộ lao động, thi nâng bậc đều bị người sử dụng lao động “ngó lơ”.

Đặc biệt, mặc dù hằng tháng bị trừ tiền BHXH theo lương nhưng từ năm 2012, công ty không đóng BHXH khiến NLĐ nợ bảo hiểm kéo dài. Tìm đến LĐLĐ thành phố, 19 công nhân lao động Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng đặt tất cả niềm hy vọng, niềm tin vào tổ chức Công đoàn. Sau nhiều lần hòa giải không thành, vụ việc được đưa ra tòa phân giải. Với những lập luận sắc bén, những bằng chứng xác thực từ phía “luật sư” là cán bộ Công đoàn, Tòa án Nhân dân quận Cẩm Lệ ra phán quyết buộc Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng phải chi trả các khoản trợ cấp thôi việc cho 19 NLĐ, thực hiện chi trả BHXH, ra quyết định thôi việc để cơ quan BHXH chốt sổ BHXH cho NLĐ, chi trả trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho biết: “Trong việc giải quyết tranh chấp lao động thì không ai muốn đưa nhau ra tòa. Công đoàn cũng hết sức quan tâm đến việc giữ gìn môi trường kinh doanh đầu tư cho thành phố, giữ vững quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, vì lợi ích của đôi bên, lấy đối thoại, thương lượng là giải pháp hàng đầu để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, khi quyền lợi của NLĐ bị xâm hại, không thể tìm được tiếng nói chung với doanh nghiệp nữa thì trách nhiệm của Công đoàn là phải sát cánh cùng đoàn viên để đòi quyền lợi. Có thể nói, khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động là giải pháp cuối cùng”.

Tăng cường trang bị kỹ năng

Đầu tháng 8-2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn việc khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể cho cán bộ Công đoàn các tỉnh, thành phố phía bắc và các Công đoàn ngành. Từ ngày 9 đến 11-8, lớp tập huấn được tổ chức tại Đà Nẵng dành cho cán bộ Công đoàn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Dự kiến, sẽ còn 2 lớp tập huấn nữa được tổ chức trong thời gian tới. Điều này thể hiện Tổng LĐLĐ Việt Nam đang thực sự quan tâm và có sự đầu tư trong việc trang bị kiến thức cho cán bộ Công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động bằng việc khởi kiện.

Tại thành phố Đà Nẵng, để tăng thêm “hành trang” cho cán bộ Công đoàn trên con đường bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ, tháng 6-2016, LĐLĐ thành phố thành lập Câu lạc bộ Luật sư Công đoàn, mô hình đầu tiên trong cả nước. Đây là nơi tập hợp những luật sư, luật gia, những cán bộ am hiểu pháp luật về lao động, Công đoàn, hỗ trợ Công đoàn các cấp làm công tác đại diện NLĐ khởi kiện doanh nghiệp ra Tòa án, thực hiện công tác tố tụng tại Tòa án đòi quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ, tư vấn và hỗ trợ pháp lý miễn phí cho đoàn viên Công đoàn. Sự ra đời của Câu lạc bộ Luật sư Công đoàn được đánh giá là một việc làm rất thiết thực của LĐLĐ thành phố, góp phần nâng cao chất lượng công tác đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân lao động, nâng cao uy tín, vị thế của tổ chức Công đoàn.

“Vừa qua, LĐLĐ thành phố đã khởi kiện doanh nghiệp tại tòa và tham gia tố tụng thành công. Việc làm này đã được Công đoàn nhiều địa phương ghi nhận, Tổng LĐLĐ Việt Nam biểu dương. Dự báo, thời gian tới sẽ còn nhiều vụ tranh chấp lao động không thể giải quyết bằng hòa giải mà phải khởi kiện tại tòa như các vụ việc vừa rồi. Tuy nhiên, với sự nhiệt huyết của cán bộ Công đoàn nói chung, của thành viên Câu lạc bộ Luật sư Công đoàn nói riêng, tôi tin rằng NLĐ có thể đặt trọn niềm tin vào tổ chức Công đoàn”, ông Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định.

Phan Hà

.