Kinh tế
Giải bài toán năng lượng: Cần thay đổi tư duy về tái cơ cấu kinh tế
Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, để đạt mức tăng trưởng kinh tế càng cao thì Việt Nam cũng phải trả giá càng lớn về tiêu hao năng lượng.
Tiến sỹ Trần Đình Thiên đang chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2016. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Chia sẻ tại diễn đàn "Năng lượng Việt Nam 2016" do Báo Công Thương phối hợp với Tổng cục năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức sáng nay (25/8), tại Hà Nội, ông Thiên cho rằng, để giải bài toán năng lượng cần phải thay đổi tư duy về tái cơ cấu kinh tế.
Dẫn chứng từ thực tế về sản lượng khai thác than khoảng gần 40 triệu tấn như hiện nay và nhu cầu điện tăng trưởng trên 10%/năm trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ đạt một con số, điều này theo ông Thiên xung đột về cung-cầu năng lượng vẫn nan giải và chưa giải quyết được.
Trong khi các ngành như than, điện vẫn chú trọng đến thành tích tăng khai thác và nâng công suất thì lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra nhiều tồn tại của ngành chế biến, chế tạo.
Theo ông Thiên, sau 30 năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 1,6% và chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghệ cao, điều này là một bước thụt lùi của ngành khi chưa tạo ra được những đột phá cho nền kinh tế.
"Hiện nay cấu trúc công nghệ chủ yếu là khai thác tài nguyên và gia công lắp ráp, ở đẳng cấp thấp. Nhiều ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép... vẫn đang tiêu thụ năng lượng khổng lồ," ông Thiên nói.
Từ phân tích trên, ông Thiên cho rằng, về dài hạn Việt Nam cần tập trung thay đổi tư duy để thay đổi đẳng cấp về công nghệ, tập trung tái cơ cấu để thay đổi mô hình tăng trưởng.
Báo cáo của Tổng cục năng lượng cho thấy, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng bình quân 11%/năm. Riêng mặt hàng than, dự kiến năm 2020 Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than để phục vụ nhu cầu trong nước.
Theo ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng, với nhu cầu lớn như vậy, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về năng lượng.
Do vậy, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng, ông Phong cho rằng, Việt Nam cần quy hoạch và hoạch định chiến lược năng lượng, trong đó hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và tăng việc sử dụng năng lượng sạch.
"Ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ là giải pháp để hoàn thành định hướng ngành năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới," ông Phong nói./.
Vietnam+