Kinh tế

Khởi nghiệp trong giáo dục: Mảnh đất tiềm năng

08:21, 24/08/2016 (GMT+7)

Khung kế hoạch hành động hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020 xác định giáo dục và đào tạo là một trong các lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố và được khuyến khích xây dựng dự án khởi nghiệp. Tuy vậy, đến nay, số doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này ở Đà Nẵng vẫn còn rất ít.

Các học sinh tham gia dự án Vút Bay trải nghiệm về ngành Du lịch và Marketing tại Trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus (Đà Nẵng) bằng cách “hóa thân” thành thợ làm bánh và người pha chế.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Các học sinh tham gia dự án Vút Bay trải nghiệm về ngành Du lịch và Marketing tại Trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus (Đà Nẵng) bằng cách “hóa thân” thành thợ làm bánh và người pha chế. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Lọt vào nhóm 5 trong chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng khóa 1” do Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng tổ chức, dự án SmartTutor (tức Gia sư Thông minh) được đánh giá cao về tiềm năng phát triển. SmartTutor là một trường học ngoại ngữ trên mạng Internet, xuất phát từ ý tưởng của một cô giáo trẻ dạy tiếng Anh ở Đà Nẵng. Tại “ngôi trường” này, người học tự chọn người dạy phù hợp với nhu cầu và trình độ của mình, có thể là giáo viên, hoặc là chính những học viên có trình độ cao hơn.

SmartTutor xuất hiện khi ngày càng có nhiều người ở đủ lứa tuổi có nhu cầu học ngoại ngữ. Thay vì phải đi đến các trung tâm ngoại ngữ, với dự án này, người học có thể học ở mọi nơi, học thử và thay đổi người dạy chỉ trong vài cú nhấp chuột. Dù “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều trường học trực tuyến tầm cỡ, SmartTutor vẫn có lợi thế vì đánh vào “thị trường ngách”, dùng ngôn ngữ tiếng Việt để dạy cho người Việt, nắm được những khó khăn mà người Việt học ngoại ngữ thường mắc phải,...

Tuy vậy, một năm sau khi hoàn thành chương trình “100 hạt giống doanh nhân”, đến nay SmartTutor đang phải tạm thời “đóng băng”. Theo chia sẻ của người sáng lập dự án này, khó khăn đầu tiên là phải tìm được đội ngũ người dạy và người học ban đầu. Học trực tuyến không mới, nhưng dạy trực tuyến và tương tác bằng công nghệ thời gian thật thì không phải giáo viên nào cũng làm được. Ngoài ra, còn có những khó khăn “kinh điển” về vốn và một lý do khác là muốn phát triển lâu dài, SmartTutor phải đáp ứng được nhu cầu của người học, đó là có được tấm bằng chứng nhận có giá trị. “Điều này không phải dễ trong cơ chế hiện nay của ngành giáo dục”, người sáng lập dự án này cho biết.

Cũng tốt nghiệp từ chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng”, Vút Bay được Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng nhận vào chương trình ươm tạo đợt 1. Có thể xem Vút Bay là một dự án hướng nghiệp. Bằng những chuyến tham quan thực tế đến các công ty, nhà máy, dự án này khơi gợi ở học sinh bậc THPT sự tò mò, muốn tìm hiểu về các ngành nghề trước khi đưa ra quyết định về việc học đại học.

Theo chị Huỳnh Chu Phương, Trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Vút Bay, đây không phải là một ý tưởng mới. Trên thực tế, đã có nhiều dự án định hướng nghề nghiệp tương tự trên thế giới. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng, Vút Bay là nhóm đầu tiên thực hiện ý tưởng này.

Kể từ khi thành lập vào năm 2015, Vút Bay đã thực hiện hai chương trình hướng nghiệp và được sự quan tâm của nhiều học sinh và phụ huynh. Theo chị Phương, Vút Bay vẫn gặp khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp là nhân sự, bởi lẽ “khởi nghiệp trong giáo dục cần những con người có cả đầu óc kinh doanh và đầu óc giáo dục”.

Bên cạnh đó, do là dự án khởi nghiệp hướng nghiệp đầu tiên tại Đà Nẵng, việc tìm được đối tác (trường học, cơ quan, công ty,…) không dễ đối với Vút Bay. Nhờ là một trong những dự án được Vườn ươm doanh nghiệp ươm tạo, nhóm được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép để tổ chức chương trình tại các trường THPT trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, đội ngũ nhân sự vẫn phải tự “bươn chải” để tìm và thuyết phục được các doanh nghiệp, cơ quan hợp tác trong những chuyến đi thực tế dành cho học sinh.

Chị Phương cho biết, kinh nghiệm cốt lõi của các dự án khởi nghiệp giáo dục là phải luôn nắm rõ khách hàng cần gì. “Thường xuyên khảo sát học sinh muốn gì, phụ huynh cần gì, mức giá sẵn sàng chi trả bao nhiêu. Dựa vào đó, Vút Bay cẩn thận tổ chức chương trình nào thì phải chắc chắn chương trình ấy”.

Ông Lý Đình Quân, Phó Giám đốc điều hành Vườn ươm doanh nghiệp thành phố cho biết, trong đợt xét tuyển các dự án cho chương trình ươm tạo lần 2 của vườn ươm (khởi động vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới), các dự án khởi nghiệp giáo dục sẽ được đặc biệt chú trọng và có chính sách khuyến khích. Tỷ lệ dân số trẻ, nhu cầu giáo dục cao cộng với việc học sinh ngày càng thích ứng dụng công nghệ vào việc học tập khiến giáo dục vẫn là một mảng đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

KHANG NINH

.