Kinh tế

Hội nhập FTA: Nhiều doanh nghiệp chưa được khuyến khích để thay đổi

17:38, 27/08/2016 (GMT+7)

Khả năng nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa rõ ràng nên chưa thấy được những khuyến khích cần phải thay đổi.

Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho biết, trong khuôn khổ các thị trường ASEAN hay ASEAN+ không mang lại lợi ích rõ rệt cho Việt Nam. Trong sử dụng ưu đãi từ phía doanh nghiệp Việt Nam, phần lớn các đối tác có cơ cấu kinh tế trùng lặp, cạnh tranh với Việt Nam.

Nguyên nhân được Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đưa ra là, việc các FTA trước ký kết hầu hết nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN và các nước, các đối tác cũng trung lập, cạnh tranh hơn là bổ sung. Trong khi đó khối doanh nghiệp FDI có chuẩn bị và nắm bắt tốt hơn các cơ hội, do vậy cần kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để tạo sự lan toả trong vai trò kiến tạo của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đánh giá khả năng nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa rõ ràng. Tập quán làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thực sự tận dụng được hết các ưu đãi. Nhiều cơ chế dựa vào quan hệ nên có hợp đồng, trúng thầu công trình... khiến nhiều doanh nghiệp chưa thấy được khuyến khích phải thay đổi.

“Doanh nghiệp xuất khẩu quen bán và mua hàng tại cầu cảng (mua hàng tận cửa). Doanh nghiệp không có nhu cầu tìm kiếm tận gốc nguồn hàng nên không quan tâm nhiều tới việc cắt giảm thuế ở các thị trường nước ngoài, hầu hết phó mặc cho thương nhân làm trung gian. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng bán hàng cho một thương nhân tới mua tận gốc, do đó việc nước ngoài có giảm thuế ra sao doanh nghiệp cũng chưa quan tâm", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hơn nữa, Thứ trưởng Khánh cũng cho rằng, việc kinh doanh dựa theo quan hệ nhiều hơn đã không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Do đó, Chính phủ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh, làm ăn bài bản đầu tư ra nước ngoài.

Lấy ví dụ như các doanh nghiệp Vinamilk, Vĩnh Hoàn, TH True milk đã bắt đầu tìm cách tiến ra nước ngoài, lập công ty ở nước ngoài và mở rộng mạng lưới xuất khẩu. Thứ trưởng Khánh đánh giá đây một trong những doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu có sự thay đổi tích cực, cần phải được khuyến khích để tận dụng tốt hơn các ưu đãi.

Với một số thị trường Việt Nam đã ký kết như Nhật Bản, Hàn Quốc có cơ cấu kinh tế bổ sung cho Việt Nam đã góp phần cân bằng lại và thu hẹp cán cân thương mại với Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho rằng, trong tương lai nếu có đàm phán thêm các Hiệp định tự do thương mại cần phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Trên nguyên tắc đàm phán là Việt Nam cần phải được ứng xử đặc biệt trong thực thi hiệp định vì là nước kém phát triển.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV

.