Kinh tế
Cần chế tài quản lý chuyển nhượng vốn, dự án bất động sản
Thời gian qua, việc chuyển nhượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ nước ngoài diễn ra ồ ạt trên phạm vi cả nước, trong đó có Đà Nẵng. Vấn đề này làm nảy sinh nhiều hệ lụy đối với công tác quản lý.
Dự án tổ hợp khách sạn Hyatt Regency đã chuyển đổi nhà đầu tư nhưng Nhà nước không thu được tiền thuế. |
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết: Thời gian qua, việc chuyển nhượng dự án FDI từ nước ngoài diễn ra ồ ạt trên phạm vi cả nước, trong đó có thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty mẹ ở nước ngoài, sau đó thành lập công ty con tại Đà Nẵng để thực hiện dự án, nhất là các dự án bất động sản, du lịch. Sau đó, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác, đáng chú ý là việc chuyển nhượng được thực hiện ở nước ngoài thông qua việc thay đổi chủ sở hữu công ty mẹ ở nước ngoài mà không làm thay đổi pháp nhân công ty con tại Đà Nẵng.
Đây là điểm bất hợp lý gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn. Cụ thể, trong một số trường hợp, công ty mẹ nước ngoài chỉ có thời hạn hoạt động ngắn, thậm chí 1 năm (luật nước ngoài cho phép) nhưng tại Việt Nam nhà đầu tư đã đề nghị và được cấp thời gian hoạt động của dự án lên đến 50 năm. Nếu công ty mẹ tại nước ngoài chấm dứt hoạt động thì đối với dự án đã được thành lập tại Việt Nam rất khó xử lý.
Đó là về mặt pháp lý, còn liên quan đến nghĩa vụ của nhà đầu tư, đại diện lãnh đạo Cục Thuế thành phố cho biết: Tất cả các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi ngành nghề có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) như thu nhập từ hoạt động cho thuê lại đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất (gồm cả chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất theo quy định của pháp luật); thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả các tài sản gắn liền với nhà... đều phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất áp dụng từ ngày 1-1-2016 là 20%.
Cũng theo ông Sơn, điển hình như dự án tổ hợp khách sạn Hyatt Regency (quận Ngũ Hành Sơn) trị giá gần 1.000 tỷ đồng nhưng khi chuyển nhượng cho đối tác khác thì thành phố không thu được tiền thuế, đây là một thất thoát lớn do DN lợi dụng kẽ hở để lách luật.
Được biết, trong thời gian qua, tại Đà Nẵng đã có hàng chục dự án BĐS đã và đang được đổi chủ đầu tư như: Khu nghỉ mát 5 sao Hyatt Regency được Tập đoàn Indochina Land bán cho Gaw Capital. Dự án sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn Montgomerie Links cùng 66 khu biệt thự cao cấp đã được Tập đoàn Indochina Land bán cho tập đoàn TBC. Khách sạn 5 sao One Opera Danang quy mô hơn 200 phòng tiêu chuẩn được cá nhân mua lại từ Hoàng Anh Gia Lai cũng vừa bán cho nhà đầu tư Success Dragon.
Dự án sân golf 18 lỗ Danang Golf Club đã được VinaCapital bán lại cho BRG. Khu phức hợp Indochina Riverside Towers với quy mô 0,4ha cũng đã được Indochina Land bán lại cho nhà đầu tư Kajima. Dự án bến du thuyền và bất động sản Marina Complex ở bờ đông sông Hàn có quy mô 17,6ha được bán cho Quốc Cường Gia Lai. Hoàng Anh Gia Lai vừa bán Dự án Trung tâm thương mại tại đường 2 Tháng 9 (Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai) cho Quốc Cường Gia Lai. Dự án Golden Square được Công ty CP Địa ốc Đông Á bán lại cho Tập đoàn Alphanam…
Trong khi đó, theo thống kê của cơ quan thuế, một số đơn vị đã nộp thuế như Công ty TNHH Sân golf Vinacapital nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn là 178,6 tỷ đồng; tiền thuê đất nộp một lần của Công ty TNHH Sân golf Vinacapital và Công ty TNHH Mega Assets là 103,6 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, liên quan đến việc mua cổ phần, phần vốn góp nhà đầu tư nước ngoài, tại Điều 46, Nghị định 118 quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thực tế, thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài đã vận dụng kẽ hở của luật để cùng sở hữu đất tại Đà Nẵng, đặc biệt là nhà đầu tư Trung Quốc.
Do vậy, để chấn chỉnh tình hình này, cần có những chế tài chặt chẽ, quy định cụ thể; đặc biệt là sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Đầu tư 2014. Cụ thể, đối với việc mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, trong trường hợp dự án có sử dụng đất, cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan theo quy định trước khi thông báo bằng văn bản nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Có như vậy, chúng ta mới kiểm soát được tài nguyên đất của mình và không bị thất thoát tiền thuế.
Bài và ảnh: Phương Uyên