Kinh tế
Vướng mắc trong thu thuế sử dụng đất
Một số đơn vị thuế đang gặp vướng mắc trong việc thu nợ tiền sử dụng đất (TSDĐ) trong khi số nợ vẫn được lưu vào hệ thống của ngành nhưng thực tế có những trường hợp phải gánh số nợ “khống”.
Nợ thuế sử dụng đất hiện nay do nhiều nguyên nhân. (Ảnh mang tính minh họa) |
Nhập nhằng giữa nợ và không nợ
Theo Chi cục Thuế huyện Hòa Vang, tính đến ngày 31-7, tổng số nợ TSDĐ trên địa bàn gần 8,9 tỷ đồng. Có hai trường hợp nợ TSDĐ, đó là hộ gia đình, cá nhân sau khi được giao đất, xét công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã nhận thông báo của cơ quan Thuế nhưng chưa có điều kiện nộp hoặc vì lý do nào đó chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Loại nợ này khi người nộp thuế thanh toán vào ngân sách sẽ được tính tiền chậm nộp theo Luật Quản lý thuế (hiện nay 0,03%/ngày). Trường hợp thứ hai, hộ gia đình, cá nhân sau khi được giao đất xét công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất có khó khăn về tài chính đã có đơn đề nghị ghi nợ TSDĐ và được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trình cho ghi nợ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Công Dũng, Chi cục phó Chi cục Thuế huyện Hòa Vang cho biết, công tác đôn đốc hộ gia đình, cá nhân thuộc diện này nộp tiền vào ngân sách rất khó vì đối tượng trong dân phân tán; hoàn cảnh kinh tế, thu nhập của gia đình khó khăn không có tiền nộp. Trước đây khi đất đai có giá, các hộ chuyển mục đích thành đất ở, bán đi một phần diện tích để nộp ngân sách. Nay giá đất không có chênh lệch nên bỏ hồ sơ.
Bên cạnh đó, hồ sơ lũy kế nhiều năm nên thực tế đến nay số liệu không chính xác, có hộ bỏ hồ sơ để lập hồ sơ chuyển mục đích đất mới hoặc lập hồ sơ để xét công nhận quyền sử dụng đất (nếu thấy có lợi hơn) hoặc chuyển nhượng đất đó cho người khác, mục đích khác hoặc nằm trong diện giải tỏa, đền bù… Ngoài ra, còn có sự nhập nhằng giữa nợ và không nợ, vì thực chất số liệu này cũng chưa phải là nợ TSDĐ vì khi công dân chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì nguồn gốc đất vẫn còn là loại đất trước khi chuyển mục đích (đất trồng cây hằng năm, cây lâu năm, đất lúa, đất màu…).
Tương tự, số nợ TSDĐ ở Chi cục Thuế quận Cẩm Lệ hiện nay vào khoảng 10 tỷ đồng, nhưng công tác thu nợ vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn vì không có sự phân định rạch ròi giữa nợ và không nợ. “Thực tế, người dân cứ nộp hồ sơ xin chuyển quyền sử dụng đất là mình ghi nợ họ nhưng khi cán bộ của Chi cục tiến hành thu nợ thì người dân trả lời rằng họ chưa chuyển đổi thành công sang đất ở nên nói nợ là không đúng. Trong khi đó, hồ sơ của dân mình không được bỏ, số nợ mình vẫn nhập vào hệ thống nên khi kiểm toán về làm việc lại đặt câu hỏi vì sao có nợ thuế mà không thu. Nó vướng là như vậy”, ông Dương Văn Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Cẩm Lệ cho biết.
Khuyến khích người dân chủ động trả nợ hoặc rút hồ sơ
Thực tế, tùy vào diện tích, vị trí của từng lô đất mà số TSDĐ phải nộp có sự chênh lệch từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình quyết định không chuyển quyền sử dụng đất, rút hồ sơ hoặc bỏ hồ sơ. Để giải quyết vướng mắc trong công tác thu nợ TSDĐ, Chi cục Thuế quận Cẩm Lệ tham mưu UBND quận tổ chức gặp mặt những hộ còn nợ TSDĐ, yêu cầu cam kết trả nợ hoặc chủ động rút đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư. Ông Dương Văn Chinh cho rằng, cần làm ngay việc này vì để lâu sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu giảm nợ của chi cục, đồng thời người dân phải gánh khoản nợ “khống”.
Chi cục Thuế huyện Hòa Vang cũng tổ chức đợt rà soát lại hồ sơ và phối hợp với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, UBND các xã để loại những hồ sơ đã bỏ hoặc chuyển mục đích khác. Đồng thời, tuyên truyền để nhân dân nắm bắt về chính sách thu TSDĐ, ghi nợ TSDĐ để hộ gia đình, cá nhân đã ghi nợ khi có điều kiện thì thanh toán ngay cho ngân sách để được hưởng quyền lợi khuyến khích hỗ trợ thanh toán trước hạn là 2%/ năm. Nếu giải quyết được vướng mắc trên sẽ góp phần giảm số nợ thuế, đồng thời không để nợ kéo dài.
Bài và ảnh: Khánh Hòa