Kinh tế

Khởi nghiệp với rau an toàn

07:59, 11/08/2016 (GMT+7)

Ba thanh niên với chung ý tưởng lập nghiệp từ rau an toàn đã “ngồi lại” bàn thảo kế hoạch, trồng thử nghiệm và cho ra sản phẩm sau gần 5 tháng triển khai. Đó là Huỳnh Hải Thiên (1983), Trần Khắc Hạnh (1982) và Trần Văn Bảy (1975) cùng sự góp vốn của hai cộng sự khác thành lập Công ty CP Pihka Đà Nẵng, chuyên sản xuất rau quả an toàn phân phối đến tận tay người tiêu dùng.

Ba thanh niên Thiên, Hạnh, Bảy đang tuyển chọn rau quả chuẩn bị phân phối đến khách hàng.  Ảnh: THANH TÌNH
Ba thanh niên Thiên, Hạnh, Bảy đang tuyển chọn rau quả chuẩn bị phân phối đến khách hàng. Ảnh: THANH TÌNH

Cùng chung ý tưởng

Với ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ những sản phẩm thiết thực cho người tiêu dùng, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ và có công việc ổn định tại Nhật Bản, Huỳnh Hải Thiên quyết định quay về Đà Nẵng tìm một hướng đi để có thể “làm chủ”. Tháng 1-2016, Thiên bắt tay vào viết dự án sản xuất rau an toàn và đem đi thuyết trình ở nhiều hội thảo.

Thiên nhận được sự ủng hộ của nhiều đơn vị về dự án này và anh bắt đầu đi tìm kiếm thị trường cũng như các đối tác để thực hiện. Trong quá trình đó, anh gặp Trần Khắc Hạnh - lúc này đang là chủ của hai cơ sở phân phối giống, vật tư nông nghiệp.

Thiên đem ý tưởng rau an toàn ra trình bày và nhận được sự hưởng ứng từ anh Hạnh. Tiếp đó, anh Thiên và anh Hạnh trong quá trình đi tìm vùng đất mới để trồng rau an toàn lại gặp anh Trần Văn Bảy, một nông dân cũng vừa từ bỏ nghề cầm bút để về quê làm nông dân. Họ cùng bắt tay khởi nghiệp từ cuối tháng 3-2016, cả ba người, mỗi người phụ trách một lĩnh vực khác nhau: anh Thiên kinh doanh, anh Hạnh làm kỹ thuật và anh Bảy sản xuất.

Điểm khác biệt giữa dự án rau an toàn của ba chàng thanh niên này với những dự án rau an toàn khác có lẽ chính ba con người ở ba chuyên ngành khác nhau đã chung một ý tưởng và mong muốn đem đến một sản phẩm an toàn cho thị trường, vực dậy nền kinh tế nông nghiệp cho địa phương.

Anh Hạnh cho biết, vốn là “dân” kỹ thuật, anh đã đi rất nhiều nơi khác nhau, nhận thấy bà con nông dân vất vả quá mà thu nhập không bao nhiêu nên anh muốn làm một cái gì đó để trước hết là giúp bản thân mình vững vàng kinh tế, sau giúp bà con bớt khổ, bớt chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Cùng chung suy nghĩ, anh Bảy cho biết, xã Hòa Khương là mảnh đất có tiềm năng để phát triển nông nghiệp với những sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, nông dân lại không mạnh dạn làm bởi họ lo sợ không có đầu ra cho sản phẩm và kỹ thuật chăm sóc không đúng quy trình. Vậy nên anh từ bỏ công việc của mình để về khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Những “trái ngọt” đầu tiên

Khởi nghiệp từ cuối tháng 3, đến nay, sau gần 5 tháng trồng thử nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà, mô hình rau an toàn của ba thanh niên đã cho “trái ngọt”. Tại khu sản xuất rau quả an toàn của họ tại thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) vào một buổi chiều muộn, anh Bảy hướng dẫn những nông dân cắt rau, hái quả để rửa và đóng sản phẩm, anh Hạnh kiểm tra lại các kỹ thuật đảm bảo quy trình, còn anh Thiên bốc xếp sản phẩm lên xe chuẩn bị đưa đi phân phối.

Khu sản xuất trĩu quả mướp, bí xanh, dưa chuột… xen lẫn bên dưới là những luống rau khoai, dền, sam, muống… xanh ngát. Luống này cắt đi, luống kia tiếp tục cho ra rau mới, cứ thế gối đầu nhau để ngày nào cũng có rau an toàn đưa ra thị trường. Các anh cho biết, việc bán hàng khởi động từ đầu tháng 8 nhưng khách hàng đã biết đến và đặt hàng ngày càng nhiều. “Những ngày này, chúng tôi phải “vặn hết công suất” để phục vụ khách hàng bởi sản phẩm của mình mới tung ra thị trường nên rất cần sự uy tín và chất lượng. Anh em vì thế có ngày ngủ 3-4 tiếng đồng hồ là chuyện bình thường nhưng ai cũng vui vẻ và hăng say”, anh Hạnh cho biết thêm.

Theo kế hoạch sản xuất của Công ty CP Pihka, trước mắt, công ty trồng thử nghiệm để xác định kỹ thuật, quy trình trồng và hiệu quả kinh tế. Hiện, công ty đầu tư theo vùng và từng bước hoàn thiện các khâu trồng, chăm sóc, phân phối sản phẩm.

Tiếp đến, sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư thêm diện tích trồng rau để có thể đáp ứng thị trường tiêu dùng các tỉnh miền Trung, trong nước và xuất khẩu. Khách hàng theo đó có thể đặt hàng trực tuyến hoặc điện thoại, công ty sẽ chuẩn bị sản phẩm giao hàng đến tận nơi. Anh Thiên cho biết thêm, công ty đang hướng đến phân khúc thị trường cho những người sử dụng Internet và người nước ngoài sống tại Đà Nẵng, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, sau khi đã ổn định sẽ mở rộng hướng đến xuất khẩu.

Bằng việc sử dụng các công nghệ tiên tiến, sản phẩm được trồng trong nhà lưới, tưới theo phương pháp thủy canh…, các chàng trai hy vọng những sản phẩm rau quả của họ sẽ an toàn cho người sử dụng từ vườn đến bếp ăn, không qua trung gian và vì thế cũng không ai có thể làm giả được thương hiệu rau quả Pihka. Theo tính toán, 3 thanh niên sẽ mất khoảng 1,5 năm đầu tư ban đầu cho dự án. Hiện nay, công ty đã giải quyết cho 8 lao động có thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng.

Thanh Tình

.