Kinh tế
"Cầu nối" ngân hàng với người vay
Để đồng vốn đến tận tay khách hàng và phát huy tác dụng, một phần có sự đóng góp không nhỏ của các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) địa phương. Chính họ là người thực sự hiểu được người vay cần gì, khó khăn ở đâu và từ đó phối hợp với ngân hàng giải quyết.
Đến hạn, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nộp lãi, gốc cho ngân hàng tại điểm giao dịch phường. |
Để thực hiện các chương trình tín dụng của ngân hàng, công việc của Tổ TK&VV là theo dõi tình hình sử dụng vốn, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến kỳ nhằm đảm bảo hiệu quả nguồn vốn vay phát triển kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, để làm được điều đó thì không dễ bởi những hộ vay hầu hết là những hộ rất khó khăn. Trong việc vay vốn, khó nhất là thu lãi đối với các hộ vay vốn đi khỏi nơi cư trú bởi khi họ đã có ý định trốn nợ thì có rất nhiều “chiêu” để không cho Tổ trưởng Tổ TK&VV cũng như các cán bộ ngân hàng biết.
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ở phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) đã làm Tổ trưởng Tổ TK&VV được 6 năm nay. Nhờ tham gia các phong trào địa phương, các hội đoàn thể, được tiếp xúc với nhiều người dân nên công việc của cô khá thuận lợi.
Song, ngoài những hộ vay, trả đúng hạn thì nhiều hộ vay vốn chậm trả lãi khiến công tác thu hồi nợ gặp khó khăn. Như mới đây, trên địa bàn có 1 hộ vay nhưng phải sau gần 3 năm mới thu hồi xong tiền gốc và lãi. Ban đầu, hộ này vay cho con đi học, sau khi con ra trường đi làm và không chịu trả nợ. Chị Nguyệt cùng các cán bộ phường nhiều lần đến động viên, nhắc nhở nhưng vẫn chây ỳ.
Khi gia đình chuyển vào Quảng Ngãi, chị Nguyệt cùng các cán bộ tín dụng vào tận nơi để tuyên truyền, vận động mãi hộ vay mới chấp nhận trả lãi hằng tháng đầy đủ. Hoặc gần đây, trên địa bàn phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), khi nghe tin có hộ vay bán nhà, cán bộ Hội LHPN phường và Tổ trưởng Tổ TK&VV xuống tận nhà trong đêm để thu hồi lãi tồn. Hộ vay cam kết sau khi bán nhà sẽ tiếp tục trả lãi, song, bán nhà xong họ lại vào Quảng Nam ở.
Qua quá trình dò hỏi, cuối cùng Tổ trưởng Tổ TK&VV và cán bộ phường cũng tìm ra chỗ ở của hộ vay và vào tận nơi vận động họ trả nợ. Chị Phạm Thị Minh Chỉ, Tổ trưởng Tổ TK&VV phường An Hải Đông nhìn nhận, đây là công việc cực kỳ khó khăn nên phải là người tâm huyết mới bám trụ được. Việc triển khai vay vốn thì không có vấn đề gì, riêng những hộ vay chây ỳ thì rất vất vả trong công tác thu hồi nợ bởi việc đeo bám họ là một hành trình gian nan.
Xác định Tổ TK&VV có vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng chính sách, vì vậy, các ngân hàng đều triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ TK&VV. Nhờ vậy, việc đưa các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thực hiện đảm bảo, nhanh chóng và an toàn.
Đại diện các ngân hàng cho biết, việc bình xét cho các hộ vay được thực hiện theo quy trình công khai, dân chủ tại các buổi sinh hoạt tổ. Tại đó, các Tổ trưởng Tổ TK&VV sẽ tiếp nhận giấy đề nghị vay vốn của tổ viên, tổ chức họp các tổ viên trong tổ để bình xét cho vay dưới sự giám sát, chứng kiến của Tổ trưởng tổ dân phố nơi hộ vay sinh sống. Ngoài việc bình xét cho vay, Tổ trưởng Tổ TK&VV còn có trách nhiệm đôn đốc người vay sử dụng tiền vay đúng mục đích, trả nợ đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi theo kế hoạch đã thỏa thuận.
Trong quá trình quản lý, có hộ vay chây ỳ không chịu trả nợ tổ trưởng đều báo cáo lên cấp trên, để có biện pháp can thiệp xử lý sớm… Ông Đoàn Ngọc Chung, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận, các Tổ trưởng Tổ TK&VV coi việc làm của mình là nhiệm vụ chính trị địa phương giao nên họ làm rất tích cực. Có thể nói, đội ngũ Tổ trưởng Tổ TK&VV hoạt động với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết cao và họ thực sự là những “cánh tay nối dài” giúp các ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bài và ảnh: Thanh Tình