Kinh tế
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp CNTT
Có doanh thu tăng trưởng khá qua mỗi năm, ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đem lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp (DN) địa phương mở rộng sản xuất cũng như tạo khối lượng lớn việc làm cho lao động thành phố. Những chuyên gia CNTT cho rằng, thành phố cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để DN có cơ hội tìm kiếm thị trường mới, phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển thị trường để xây dựng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. |
Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ
Là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ CNTT trong khu vực, những năm qua, Đà Nẵng luôn được các đối tác nước ngoài đánh giá cao về năng lực gia công CNTT (ITO). Chỉ mới phát triển trong vòng 10 năm trở lại đây, thế nhưng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT luôn tăng trưởng ấn tượng và ổn định. Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tổng doanh thu ngành công nghiệp CNTT năm 2015 đạt 19.057 tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2006, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 30%/năm.
Tuy nhiên, là ngành công nghiệp còn non trẻ nên quy mô của các doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng vẫn còn nhỏ, vốn và công nghệ còn hạn chế. “Hiện Đà Nẵng có hơn 700 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT nhưng chưa có DN nào có quy mô lớn trên vài nghìn người.
Điều này khiến DN địa phương không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của Ấn Độ hoặc Trung Quốc cũng như mất đi cơ hội nhận các hợp đồng lớn từ đối tác”, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT cho biết. Theo ông Thanh, một trong những nguyên nhân khiến DN CNTT địa phương không mạnh dạn mở rộng sản xuất là do tình trạng thiếu địa điểm làm việc, trong khi việc đầu tư cho hạ tầng các khu CNTT còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.
Do quy mô nhỏ nên các DN CNTT trên địa bàn thành phố hoạt động chủ yếu là gia công phần mềm, lắp ráp và phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu. Trong khi đó việc khuyến khích các DN CNTT đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn.
Vì vậy, Đà Nẵng thiếu các sản phẩm CNTT nòng cốt như sản phẩm “Chính quyền điện tử” nguồn mở của Công ty CP Công nghệ DTT có thể làm chủ công nghệ, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. “Đà Nẵng đang phát triển dịch vụ công, xây dựng Chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Rất nhiều DN CNTT mong muốn được tiếp cận những dự án này của thành phố để có cơ hội nghiên cứu các sản phẩm mang thương hiệu Việt, bảo đảm an ninh thông tin và tiết kiệm chi phí bản quyền”, anh Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng chia sẻ.
Tạo thị trường cho doanh nghiệp
Đà Nẵng xác định trong thời gian tới sẽ phát triển ngành công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT, từng bước xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghiệp CNTT của khu vực miền Trung.
Để làm được điều đó, theo các chuyên gia CNTT, thành phố cần tạo thị trường cho DN CNTT, đặc biệt là sự chủ động nắm bắt thị trường của các DN trong nước để phát triển sản phẩm của riêng mình. Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp CNTT phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu bền vững, thành phố nên giúp DN tiếp cận với nguồn vốn từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ để đầu tư nguồn lực tài chính, nhân lực cho các dự án lớn. “DN có thể quảng bá năng lực của mình qua những sản phẩm mang sự khác biệt, có tính thương mại cao, đồng thời tạo cơ hội cho việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ của mình cho các nước trong khu vực”, ông Trần Kiêm Dũng, Phó Giám đốc khối Giải pháp, Công ty CP Công nghệ DTT nhấn mạnh.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững trong ngành CNTT, ông Nguyễn Quang Thanh cho biết: “Sở TT&TT thường xuyên phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ DN đăng ký thành lập để thực hiện hoạt động theo đúng quy định. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra các DN CNTT, thông qua quy tắc ứng xử trong Hiệp hội Phần mềm, gặp gỡ nguồn lao động để họ có nhận thức và gắn bó với DN”.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN