Kinh tế

Hàng lậu, hàng giả vẫn lộng hành

08:18, 28/09/2016 (GMT+7)

Ngày 27-9, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo “Chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Thông tin tại hội thảo cho biết, từ năm 2013-2015, số lượng hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ của các ngành thành viên thuộc Ban chỉ đạo 389/TP tịch thu tiêu hủy là 50.503 đơn vị hàng hóa, trị giá trên 10 tỷ đồng. Riêng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng tiêu hủy 37.128 đơn vị hàng hóa trị giá hơn 7 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục đã phát hiện, xử lý 72 vụ việc hàng giả, hàng kém chất lượng, xử phạt trên 500 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy trên 1.800 đơn vị hàng hóa các loại.

Theo đánh giá của Chi cục QLTT Đà Nẵng, nằm trên trục giao thông nối 2 miền Nam - Bắc, Đà Nẵng là khu vực trung chuyển, phân phối hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chủ yếu được làm giả từ các địa phương khác hoặc nhập lậu từ các nước lân cận. Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục QLTT thành phố cho hay, nhóm hàng thời trang và tiêu dùng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của các nhà sản xuất uy tín đều có thể bị làm giả hoặc làm tương tự về nhãn hiệu, không bảo đảm chất lượng.

Đà Nẵng kiểm soát được nguồn gốc nhập rau củ quả; trong đó chủ yếu nhập rau từ 6 tỉnh, thành phố chiếm 86%, nhập từ Trung Quốc chiếm 4%; nhập trái cây từ 9 tỉnh, thành phố trong nước chiếm 9%, nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan chiếm 23%. 100% động vật và sản phẩm động vật nhập vào thành phố được kiểm soát vệ sinh thú y, 8 cơ sở giết mổ tập trung đều có cán bộ thú y kiểm soát chặt chẽ.

Tuy vậy, theo các cơ quan chức năng, về quy chuẩn, tiêu chuẩn để làm căn cứ kiểm soát an toàn thực phẩm còn thiếu rất nhiều nên cơ quan thực thi pháp luật lúng túng. Hoạt động thanh tra chuyên ngành nếu thông báo trước với cơ sở bị kiểm tra thì không khác gì giúp cơ sở tẩu tán hàng hóa. Thêm vào đó, luật chỉ quy định xử phạt hành chính đối với những cơ sở sản xuất nên khi các cơ sở kinh doanh sử dụng chất phụ gia, hóa chất cấm để bảo quản… thì không thể xử phạt được.

Đó là chưa kể từ khi lấy mẫu, gửi mẫu đến phòng kiểm nghiệm đến khi nhận kết quả mất từ 8-10 ngày. Nếu mẫu thực phẩm mất an toàn thì số thực phẩm đó cũng đã tiêu thụ hết, không còn để thu hồi, tiêu hủy.

Ông Trần Văn Thiết, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Đà Nẵng cho rằng, hầu hết các sản phẩm uy tín, có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Song, do cơ chế phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, chế tài xử phạt còn nhẹ, luật chưa kín kẽ nên hàng lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn lộng hành, thách thức nhà quản lý, cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, có sự tiếp tay của người tiêu dùng như chưa phân biệt được hàng thật - giả, chấp nhận mua vì giá rẻ, hợp túi tiền…, nên các loại hàng hóa này vẫn có mặt trên thị trường.

Đại tá Võ Văn Lanh, Phó Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an Đà Nẵng kiến nghị, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp của từng lực lượng thì cần sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng, ổ nhóm, tụ điểm vận chuyển, tập kết và phân phối hàng lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả trong từng khu dân cư. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng về trách nhiệm của công dân trong đấu tranh chống buôn lậu. Khuyến khích, động viên kịp thời những quần chúng tích cực tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu.

DUYÊN ANH

.