Kinh tế
Quà lưu niệm du lịch: Cần sự độc đáo, khác biệt
Nhiều năm nay, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm quà lưu niệm vẫn là khoảng trống của du lịch Đà Nẵng. Nhiều du khách đến với thành phố than phiền không biết mua gì để làm quà, món đồ nào để nhận diện thương hiệu du lịch địa phương.
Làng đá mỹ nghệ Non Nước của Đà Nẵng rất độc đáo nhưng nhiều sản phẩm còn chung chung, dễ tìm thấy ở những nơi khác. |
Vấn đề này chính quyền thành phố rất quan tâm đầu tư, nhưng vì nhiều lý do, dấu ấn quà lưu niệm vẫn mờ nhạt. Nhiều người làm du lịch cũng nhận thấy, việc xây dựng hình ảnh cho quà lưu niệm để trở thành biểu tượng, sản phẩm đặc trưng của du lịch Đà Nẵng là việc làm rất cần thiết.
Thực tế, khi đi đến một vùng, miền, quốc gia, du khách thường có thói quen mua sắm những món quà lưu niệm dù là nhỏ, nhưng mang đậm dấu ấn đặc trưng của nơi đến. Những món quà chỉ cần nhìn là biết xuất phát từ đâu. Ví như nhìn thấy bộ búp bê Matryoska (bộ nhiều búp bê lồng vào nhau) là biết từ nước Nga xinh đẹp. Hoặc nhìn thấy biểu tượng nhân sư Merlion (đầu sư tử, mình cá) người xem nghĩ ngay đến quốc đảo Sư tử Singapore…
Thường xuyên đưa đón, giới thiệu các khu, điểm du lịch tới du khách, anh Võ Văn Anh, thành viên CLB Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng cho rằng, quà lưu niệm của Đà Nẵng vẫn còn nghèo nàn đối với khách. Anh thường giới thiệu những mặt hàng truyền thống như đồ gỗ mỹ nghệ có chạm khắc các hình ảnh như cô gái Việt Nam.
Ở Hội An có nhiều cửa hàng, các mặt hàng cũng phong phú hơn để du khách lựa chọn; còn Đà Nẵng chỉ có một số cửa hàng bán đồ lưu niệm tập trung, nhưng các mặt hàng lại không phong phú. Trong khi nhu cầu khách mỗi nước khác nhau, chẳng hạn khách Trung Quốc, Hàn Quốc thích những đồ thiết thực như cà- phê, hạt điều..., khách Nhật Bản lại thích những món đồ tinh xảo, khách châu Âu lại quan tâm đến quần áo…
Cùng quan điểm, ông Phạm Đình Hoàng, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Anh Việt nhận xét, các sản phẩm cho khách du lịch Đà Nẵng cả về hình thức lẫn sự đa dạng đều chưa có. “Chúng ta vẫn còn bám theo làng đá truyền thống, nhưng một số sản phẩm được bày bán còn nghèo nàn và chưa bắt mắt, chưa tạo được cảm xúc khiến cho du khách nhìn thấy là thích. Mỗi địa danh, điểm đến có thể hình thành một sản phẩm như 5 ngọn núi tượng trưng cho Ngũ Hành Sơn, hình ảnh các cây cầu bắc qua sông Hàn hay bán đảo Sơn Trà… Có thể làm bằng nhiều vật liệu khác nhau không nhất thiết phải làm bằng đá.
Cũng nên có một mức giá nhất định cho sản phẩm, phù hợp với khách mua. Đồng thời, phải tạo được sự khác biệt lớn để du khách cầm về, nhìn thấy là nhận ra cái đặc trưng riêng của Đà Nẵng và có như vậy mới gây được ấn tượng với khách. Không nên để tình trạng trùng lặp các sản phẩm mới như vậy nếu không mua được ở địa phương này thì sẽ mua được ở địa phương khác”, ông Hoàng chia sẻ.
Ông Lê Công Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành Du lịch Công đoàn Đà Nẵng bày tỏ, hiện thành phố cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này, một số doanh nghiệp, đơn vị cũng đã đưa ra những ý tưởng hay, khá đặc trưng như mũ, túi, dép, làm từ cói, hay những sản phẩm như xà bông, nước hoa chiết xuất từ thiên nhiên không hóa chất…
Tuy nhiên, phải có thời gian để kiểm chứng và định hình vị trí của sản phẩm trên thị trường. Cùng với chất lượng thì phải có bao bì bắt mắt, đẹp, tiện ích, mang tính biểu trưng cao để khách nhìn vào là ấn tượng và muốn mua ngay.
Khi các sự kiện lớn như Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG 5), Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đang đến gần, ngoài việc tiếp đón chu đáo, những món quà là những sản phẩm đặc trưng để khách mang về là cách hiệu quả nhất để truyền thông, quảng bá cho điểm đến. Mới đây thành phố đã lựa chọn Voọc chà vá chân nâu làm hình ảnh nhận diện thành phố nhân sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017, ngành du lịch thành phố nên tranh thủ cơ hội này để tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn riêng, tạo sức hút với du khách.
Bài và ảnh: Thu Hà