Kinh tế
Phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp (DN) dân doanh đã được duy trì ổn định, bảo đảm việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Nhờ chính sách ưu đãi, nhiều công ty nước ngoài đã mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng. Trong ảnh: Công ty Vi Biển-Akuruhi của Nhật Bản đầu tư mở siêu thị Akuruhi tại Đà Nẵng. |
Nhờ môi trường hoạt động kinh doanh thuận lợi, nhiều DN hoạt động trên địa bàn thành phố mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Do đó, số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng, số DN giải thể giảm.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, thành phố có 223 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1% so với cùng kỳ. Các dự án đầu tư trong nước cũng đã tập trung vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, phù hợp với cơ cấu kinh tế của thành phố là dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Hầu hết các DN coi trọng, nâng cao chất lượng sức cạnh tranh sản phẩm, quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ và chất lượng sản phẩm. Với sự phát triển bền vững của DN đã góp phần tăng doanh thu, dẫn đến việc nộp ngân sách cho thành phố tăng 1,01 lần so với cùng kỳ.
Có được kết quả trên, ngoài nỗ lực của các DN, phải kể đến sự đóng góp quan trọng của các tổ chức cơ sở Đảng trong việc phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, DN chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Tuy thời gian qua, đội ngũ doanh nhân trên địa bàn thành phố đã có bước phát triển, song có thể nhận thấy rằng, phần lớn DN có quy mô còn nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, thiết bị lạc hậu, chất lượng và hiệu quả kinh doanh vẫn chưa cao, năng lực và kinh nghiệm quản lý của một bộ phận doanh nhân còn hạn chế so với yêu cầu hiện nay.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, hằng năm, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo, tổ chức đối thoại với doanh nhân, DN và các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn; đồng hành với DN về vốn vay, lãi suất, cải cách thủ tục hành chính (TTHC)…
Đặc biệt, thành phố đã ban hành Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; đẩy mạnh cuộc vận động “3 hơn” và triển khai Đề án “Thực hiện cơ chế liên kết trong giải quyết TTHC về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện giữa các sở, ban, ngành”.
Đây là giải pháp mới về cải cách TTHC để tăng cường hiệu quả phối hợp thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC, phục vụ tốt hơn yêu cầu của DN và hướng đến tập trung tất cả đầu mối tiếp nhận TTHC về “một đầu mối”, “liên thông-liên kết” và “trọn gói”.
Trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ DN, các cấp ủy chỉ đạo chính quyền, ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách mới; đồng thời rà soát, điều chỉnh các chính sách phù hợp hơn với tình hình thực tế. Chỉ tính riêng giai đoạn 2012-2015, UBND thành phố đã ban hành 7 chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN, trong đó 3/7 chính sách đã được bổ sung, điều chỉnh, thay thế; các chính sách còn lại đang được các ngành nghiên cứu, trình UBND thành phố điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố, các DN đã chủ động khắc phục khó khăn, đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, liên kết mở rộng thị trường; đồng thời phát huy tinh thần dân tộc, có ý thức trách nhiệm với xã hội, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển.
Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG