Kinh tế

Khơi nguồn sáng tạo của giới trẻ

08:39, 05/09/2016 (GMT+7)

Nhiều ý tưởng, sản phẩm, mô hình, giải pháp sáng tạo ngày càng được các nhà khoa học trẻ thực hiện. Hiệu quả đem lại là từ ứng dụng vào thực tiễn đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương; đồng thời, thôi thúc ngọn lửa đam mê nghiên cứu trong thế hệ trẻ.

Các cuộc thi sáng tạo khoa học là nơi để các bạn trẻ thử sức đam mê nghiên cứu. TRONG ẢNH: Học sinh tham gia thi sáng tạo robot.
Các cuộc thi sáng tạo khoa học là nơi để các bạn trẻ thử sức đam mê nghiên cứu. TRONG ẢNH: Học sinh tham gia thi sáng tạo robot.

Đam mê nghiên cứu khoa học từ lâu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của công ty, anh Huỳnh Thảo Nguyên ngày đêm nghiên cứu, hoàn thành công trình “Ứng dụng lý thuyết thống kê và hệ thống đo xa trong xây dựng biểu đồ phụ tải” và ứng dụng có hiệu quả tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Anh Nguyên cho biết, ý tưởng nghiên cứu của anh hình thành từ năm 2006, nhưng phải đến năm 2013 mới có cơ hội thực hiện.

Nhờ đề tài nghiên cứu đó, anh Nguyên đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và đoạt giải nhì khi tham gia Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (Vifotec). Công trình của anh Nguyên góp phần tiết kiệm điện năng, bảo đảm an ninh năng lượng và môi trường cho đơn vị. Trên cơ sở đề tài của anh Nguyên, Cục Điều tiết Điện lực xây dựng được cấu trúc biểu giá điện hợp lý.

Ngoài ra, từ số liệu trong nghiên cứu của anh cũng là thông số đầu vào tin cậy hỗ trợ cho việc dự báo phụ tải, vận hành, thiết kế và quy hoạch hệ thống điện, tính toán tổn thất điện và độ tin cậy hệ thống điện cho các doanh nghiệp liên quan đến điện.

Ngoài công trình nghiên cứu của anh Nguyên, nhiều công trình khác cũng được dày công nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả như công trình “Lập quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp 500kV tại hiện trường” của kỹ sư trẻ Nguyễn Tiến Dũng (đoạt giải nhất Vifotec).

Hay các giải pháp do các em học sinh, sinh viên nghiên cứu như “Phần mềm IKID” của em Nguyễn Trần Viết Chương (giải nhất Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc), “Phần mềm hỗ trợ nghiên cứu giảng dạy học tập các thuật toán dùng trong tin học” của 2 em Lê Anh Tiến, Lê Hoàng Anh (giải nhì Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc)...

Phong trào sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống sản xuất đã được các bạn trẻ tích cực nghiên cứu; qua đó góp phần ươm mầm, nhen nhóm ngọn lửa đam mê sáng tạo trong thế hệ trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, sự đầu tư cho đội ngũ những người trẻ chưa được quan tâm đúng mức, kể cả về cơ chế, chính sách, điều kiện vật chất, tài chính... Vì vậy, họ gặp những hạn chế nhất định và khó duy trì niềm say mê, sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị khoa học cao.

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong giới trẻ thời gian qua phát triển khá nhanh. Hiện, Đà Nẵng đã có các tổ chức như Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ, Quỹ Khuyến khích sáng tạo khoa học công nghệ cùng nhiều cuộc thi, giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ thường xuyên được tổ chức.

Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong giới trẻ, thành phố cần có cơ chế bảo hộ quyền sở hữu đề tài sáng chế nhằm tạo sự công bằng, khách quan trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tuyên truyền, nhân rộng, áp dụng thực tế kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học đã được công nhận đến các cơ quan, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các tổ chức, doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc áp dụng đề tài nghiên cứu cần trích một phần lợi nhuận vào ngân sách Nhà nước để thành phố có kinh phí tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Và khi các đề tài khoa học được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả thì tác giả của đề tài đó cũng phải được thành phố chi trả tiền bản quyền. Có như vậy, mới tạo được động lực tìm tòi nghiên cứu và sáng tạo trong các nhà khoa học, sáng tạo trẻ.

Bài và ảnh: ĐAN TÂM

.