Kinh tế
Cánh cửa mở cho hàng xuất khẩu
EU là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, nhưng không hẳn là dễ dàng đối với hàng Việt. Bên cạnh việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam mang lại, các DN trong nước phải tìm cách mở cửa vào thị trường này.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó vì không kiểm soát được nguồn nguyên liệu thu mua. |
Cơ hội và thách thức
EU là thị trường nhập rất nhiều lương thực, thực phẩm, do đó là đối tác rất tiềm năng của các DN Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng. Theo các chuyên gia của Bộ Công thương, muốn vào thị trường EU, các DN Việt Nam cần phải biết rõ phương pháp mang lại hiệu quả cao và không bị vấp phải các rào cản kỹ thuật. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung chia sẻ: “Doanh nghiệp của chúng tôi có 3 cơ sở đã được phê chuẩn để xuất khẩu hàng hóa vào EU. Mối quan tâm đầu tiên chúng tôi là làm sao để không bị cơ quan chức năng phía bạn kiểm duyệt và trả lại hàng. Tiếp đó phải tính tới kế hoạch tăng tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này. Vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm hiện nay rất khó, do phần lớn nguồn gốc thủy sản DN phải mua từ nông dân. Ngoài ra, do cạnh tranh trong kinh doanh, các DN Việt Nam đã tự làm khó mình khi sản phẩm ngâm chất phụ gia không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”. Đại diện các DN cho rằng, quy định về thuốc thủy sản mà Nhà nước đang ban hành cũng chưa phù hợp, vì dư lượng cho phép của kháng sinh đối với EU thấp hơn rất nhiều so với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Do đó, sản phẩm ở trong nước là đúng nhưng khi xuất qua EU lại không được, vì thế phải có hướng bổ sung hợp lý...
Đối với ngành dệt may, việc ký kết các hiệp định thương mại mở ra cơ hội cho DN đặt chân vào thị trường EU, mở rộng phát triển sản xuất. Thế nhưng, hiện có hơn 80% nguyên phụ liệu đầu vào của dệt may phải nhập khẩu (40% từ Trung Quốc) trong khi công nghiệp hỗ trợ dệt may chưa phát triển. Ông Trần Xuân Hòe, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may 29-3 bày tỏ: “Đến nay, có 6 dự án dệt, may trong nước được xây dựng để tăng nguồn cung phụ liệu, nhưng vẫn chưa có sản phẩm nào. 15 năm chúng tôi trăn trở, công nghiệp phụ trợ vẫn là con số 0. Lộ trình năm 2018 đã rất cận kề rồi, DN đang cần sự hỗ trợ của Chính phủ”. Như vậy, dù cơ hội đã tới nhưng ngành dệt may trong nước vẫn chưa sẵn sàng và chủ động.
Những lưu ý mới
Trong buổi làm việc tại Đà Nẵng, ông Kỳ Anh, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, hiện nay số đông DN Việt Nam vẫn còn thói quen xuất khẩu dựa vào kinh nghiệm, đối tác riêng hoặc nhu cầu thời vụ của khách hàng. Trong khi đó, việc nghiên cứu về đặc trưng mỗi thị trường một cách lâu dài chưa được chú trọng. Chính vì vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hay bị “va vấp” bởi các hàng rào kỹ thuật từ những thị trường này. Nhiều trường hợp đã bị trả hàng về một cách đáng tiếc. Điển hình nhất là các ngành xuất khẩu thủy sản, lương thực, dệt may...
Về góc độ thị trường, cần tìm hiểu về sức mua, thị hiếu, phân khúc thị trường, dân số... Điều quan trọng là nhận thức và khả năng thích ứng của chính DN trong giai đoạn hậu WTO. Cụ thể là thích ứng theo những tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi và coi nhu cầu đó là phần không thể thiếu của hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, tổ chức lại sản xuất, để dần đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đã vào thị trường này, DN cần phải chấp nhận với những rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá, những rào cản kỹ thuật khác... DN cần chủ động ngay từ đầu để có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm của mình. Điều này sẽ tạo ra một quy trình mới về tư duy chiến lược, cách điều hành bộ máy, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về an toàn vệ sinh thực phẩm, theo quy định của Hiệp định thương mại EU-Việt Nam, các nguyên tắc đều được thực hiện đối với tất cả các đối tác, không có bất cứ ngoại lệ đối với quốc gia nào. Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thời gian qua, hàng loạt các lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang EU đã bị trả về. Nguyên nhân là do chất lượng hàng hóa, cụ thể là phía đối tác đã phát hiện kháng sinh cấm trong các lô hàng tôm. Tương tự, đối với ngành dệt may, quy tắc xuất xứ cũng là điều kiện nghiêm ngặt. Chứng nhận được điều này thì hàng hóa của DN mới được hưởng các ưu đãi thuế quan cho các nước thành viên. Hiện nay, việc triển khai tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho DN đang được triển khai trong nước.
Ông Trần Việt Cường, cán bộ Văn phòng Bộ NN và PTNT cho biết: Hàng hóa xuất qua EU phải bảo đảm tiêu chuẩn rất cao. Bởi vậy, DN buộc phải tuân thủ các yêu cầu khắt khe để có chiến lược phát triển. Đây cũng là thử thách bước đầu, một khi vượt qua được thị trường này, DN sẽ chiếm lĩnh được các thị trường khác. Rõ ràng, EU là một thị trường không phải DN nào cũng đủ khả năng xuất khẩu hàng hóa, nhưng nếu vượt qua rào cản, cánh cửa sẽ rộng mở.
Bài và ảnh: Duyên Anh