Kinh tế
Văn minh thương mại tại các chợ
Đến các chợ Tân Chính, Tam Thuận, Chính Gián…, người tiêu dùng cảm thấy khá thoải mái bởi không quá lo tình trạng “nói thách”, “cân gian”... Văn minh thương mại đã được chính quyền địa phương triển khai hiệu quả đến từng khu chợ.
Kiểm tra độ chính xác của cân bằng quả cân chuẩn tại chợ Chính Gián, quận Thanh Khê. |
Xách chiếc giỏ nặng trĩu hàng hóa, chị Nguyễn Thị Thu (34 tuổi, ở quận Thanh Khê) nói: “Mình đi chợ Chính Gián hằng ngày. Hàng bảo đảm chất lượng và không có chuyện “hớ” bởi người bán rất ít nói thách. Những chiếc cân ở đây đều có dán tem kiểm định nên mình yên tâm”. Lần đầu tiên đến chợ này, chị Lê Thu Hân (30 tuổi, ở quận Thanh Khê) trả tiền ngay sau khi mua hàng mà không cần mặc cả. Chị Hân cho biết: “Giá cả ở đây cũng tương tự các chợ uy tín khác, có những mặt hàng giá nhẹ hơn”.
Luôn tươi cười với khách, chị Đàm Thị Phượng (38 tuổi), tiểu thương bán thịt ở chợ cho biết: “Tụi mình đã được tập huấn, quán triệt về văn minh thương mại. Hơn nữa, phải bán hàng chất lượng, đúng giá thì khách mới trở lại với mình chứ cân gian, bán thiếu thì chỉ bán được một lần là mất khách ngay!”.
Đi kiểm tra từng chiếc cân và đề nghị các hộ buôn bán chỉnh sửa sau khi được định lượng bằng quả cân chuẩn vào sáng ngày 23-9, ông Bùi Chỉnh, Trưởng Ban quản lý chợ Chính Gián cho biết, việc dán tem trên từng chiếc cân cho các hộ buôn bán trong chợ là hoàn toàn miễn phí. “Ban đầu có những hộ buôn bán không đồng tình, nhưng sau khi tuyên truyền, các hộ hiểu việc dán tem chỉ tạo điều kiện thuận lợi và thêm sự tin tưởng cho khách hàng nên rất ủng hộ. Không chỉ dán tem, chúng tôi còn thường xuyên đi kiểm tra xem tem có bị lột ra hoặc bong tróc không, nếu có sẽ đề nghị dán lại ngay”, ông Chỉnh nói. Ông Chỉnh cho biết thêm, nếu có trường hợp người mua hàng khiếu nại thì Ban quản lý sẽ cho cân đối chứng để kiểm tra người bán có cân gian hay không. Tuy nhiên, thời gian qua có rất ít trường hợp phải cân đối chứng.
Ông Dương Tấn Tài, Phó phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, 12 chợ trên địa bàn đều có cân đối chứng. Đồng thời, trong năm qua, Phòng Kinh tế quận Thanh Khê cũng đã trang bị 4 quả cân chuẩn cho các chợ. Nhờ vậy, tình trạng cân thiếu được giảm thiểu.
Từ năm 2012, UBND quận Thanh Khê đẩy mạnh xây dựng “Chợ văn minh thương mại”… Ở mỗi phường đều tổ chức các lớp tập huấn về chợ văn minh thương mại cho cán bộ, nhân viên quản lý chợ và các hộ kinh doanh. Tại phường Hòa Khê mới đây đã có hàng chục hộ kinh doanh được phổ biến kiến thức cơ bản về văn minh thương mại như: sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp, giao tiếp lịch sự với khách hàng và đồng nghiệp, không nói thách, giữ gìn vệ sinh môi trường; phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự tại chợ; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng …
“Việc xây dựng chợ văn minh thương mại lúc đầu cũng gặp khó khăn nhưng chúng tôi đã phối hợp với Ban quản lý các chợ tuyên truyền, vận động tiểu thương thực hiện; đồng thời trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đến từng gian hàng; từng hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện các tiêu chí chợ văn minh thương mại”, ông Dương Tấn Tài nói. Theo ông Tài, mô hình “chợ văn minh thương mại” gắn liền với các mô hình “sạch quầy, đẹp chợ”, “điểm bán hàng văn minh thương mại”, “quầy bán hàng đúng giá”. Đến nay, hầu hết các chợ trên địa bàn đã đăng ký thực hiện, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương các chợ.
Bài và ảnh: KIM NGÂN