Kinh tế

Rau an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng

08:06, 18/10/2016 (GMT+7)

Trồng, chế biến các loại rau, quả với năng suất và chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, tiến tới xây dựng và mở rộng các vùng chuyên canh, từng bước công nghiệp hóa ngành sản xuất nông nghiệp ở Đà Nẵng là một mục tiêu không chỉ cho trước mắt mà còn lâu dài.

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng các vùng rau an toàn (RAT) tại quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang với diện tích khoảng 40ha, sản lượng khoảng 4.500 tấn/năm, đáp ứng một phần nhu cầu hiện nay.

Mặc dù sản phẩm của vùng RAT đều tiêu thụ hết ở thị trường nhưng hầu như chưa được tiêu thụ theo hợp đồng thông qua thương hiệu. Vấn đề tổ chức sản xuất, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp.

Chính vì vậy, việc thiết lập mạng lưới từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm bảo đảm an toàn đạt tiêu chuẩn là một đòi hỏi bức thiết, nhất là trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang là đề tài nóng hiện nay để thành phố Đà Nẵng thực hiện tốt chương trình “Thành phố 4 an”.

Tại vùng rau an toàn Hồ Bún, xã  Hòa Phong, huyện Hòa Vang.  Ảnh: NGUYỄN CẦU
Tại vùng rau an toàn Hồ Bún, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: NGUYỄN CẦU

Để có được RAT mang tính bền vững, không đơn giản chỉ là vấn đề kỹ thuật nông nghiệp mà còn bao gồm nhiều nội dung khá phức tạp. Tập quán canh tác lâu nay làm người sản xuất rau không sẵn sàng chấp nhận hệ thống kỹ thuật mới.

Do thiếu hiểu biết và chạy theo lợi nhuận, người sản xuất rau ít quan tâm đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ nghĩ đến việc rau bán được giá trên thị trường. Mặt khác, các biện pháp canh tác khoa học thiếu tính thực tiễn, hiệu quả chưa cao đã tạo tâm lý không tin tưởng vào khoa học kỹ thuật trong nông dân… Những hạn chế đó đã làm cho thị trường RAT ở Đà Nẵng phát triển chưa mạnh.

Từ đó dẫn đến thiếu mạng lưới cung cấp RAT cho người dân thành phố, khó xây dựng thành công vùng RAT một cách đúng nghĩa. Một số siêu thị, tuy có bán nhiều loại  rau nhưng để gọi là sạch, an toàn thì chưa ai kiểm chứng, ngoài việc sơ chế, đóng bao trông “có vẻ” sạch hơn rau bán ở chợ!?

Thông thường, công nghệ sản xuất RAT sẽ làm tăng giá thành rau đáng kể, vì vậy, việc tăng giá bán của RAT không phải là vấn đề cốt lõi đối với người sản xuất. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng, việc hình thành giá cả riêng cho các cửa hàng RAT là cần thiết để bảo đảm rau bán ở cửa hàng RAT không bị “trộn lẫn”với rau sản xuất bình thường. Sự chênh lệch giá giữa RAT và rau thường phải có tác dụng kích thích người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Chương trình sản xuất và tiêu thụ RAT chắc chắn sẽ khó thành công nếu coi nhẹ khâu lưu thông, phân phối. Thực tế ở Đà Nẵng, người nông dân không thể tự sản xuất RAT, nhất là khi việc bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Thương hiệu RAT của Đà Nẵng vẫn còn khá mờ nhạt. Mối liên hệ giữa đầu vào và đầu ra còn nhiều bất cập, dẫn đến người trồng rau không yên tâm sản xuất, người tiêu dùng chưa tin tưởng vào chất lượng của rau có sạch hay không sạch…

Vì vậy, việc phát triển RAT cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phải có một chiến lược mang tính dài hơi, bền vững. Kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế cũng như tạo điều kiện để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhất là các doanh nghiệp “chung tay góp sức” cùng thành phố sản xuất và tiêu thụ RAT; quan tâm kêu gọi, thu hút đầu tư những dự án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khép kín, trong đó có ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm.

Lựa chọn hình thành những dự án với mục tiêu xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình sản xuất RAT ứng dụng công nghệ cao theo hướng đa dạng hóa chủng loại, chất lượng, giá thành hợp lý và ổn định là một giải pháp thiết thực. Phải hình thành những vùng chuyên canh tập trung có quy mô từ vài hec-ta trở lên, tạo ra những địa chỉ, thương hiệu cụ thể.

Thành phố cần có chính sách thích hợp như sử dụng đòn bẩy thuế và tín dụng để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất RAT, tiến tới rau sạch; có hệ thống kiểm tra, phân tích dư lượng các loại thuốc trừ sâu... Kết quả cuối cùng là tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ rau, quả bảo đảm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao.

Việc tạo ra thương hiệu RAT cho Đà Nẵng là một nội dung cụ thể để minh chứng cho việc xây dựng một xã hội an toàn và bền vững.

Dân Hùng

.