.

Chợ phiên cá đồng, rau vườn ở Hòa Xuân

.

Với dự định tổ chức mỗi tháng một lần vào ngày cuối cùng của tháng, nhưng do nhu cầu mua - bán tăng cao, chợ phiên bán các loại cá, tôm đồng, sông và rau sạch ở chợ Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) tăng tần suất lên một tuần/lần vào ngày chủ nhật, bước đầu tạo nên một “thương hiệu” mới thu hút đông đảo người tham gia.

Dù là những mớ cá vụn, mớ rau quê nhưng các khách hàng rất thích thú khi mua được hàng tự nhiên thứ thiệt.
Dù là những mớ cá vụn, mớ rau quê nhưng các khách hàng rất thích thú khi mua được hàng tự nhiên thứ thiệt.

Hình thành từ ý tưởng của Hội LHPN phường Hòa Xuân, chợ phiên ra đời đến nay được gần một tháng, nhưng theo đánh giá của nhiều người, chợ hoạt động hiệu quả và dần tạo được niềm tin nơi người dân địa phương và các khu vực lân cận.

Đây là sáng kiến xuất phát từ mối quan tâm nông sản sạch của những người nội trợ, nhằm thực hiện an toàn thực phẩm trong chủ trương “Thành phố 4 an”. Những người bán tại đây là hội viên Hội LHPN của phường. Họ là nông dân, ngư dân hằng ngày vẫn sản xuất, đánh bắt, mua bán tại chợ Hòa Xuân và nhiều chợ lẻ khác trên địa bàn quận Cẩm Lệ.

Có mặt tại chợ phiên lúc 6 giờ sáng, hàng chục người mua bán đã rộn ràng, dù trời mưa, mặt bằng bày biện chỉ là hai lối đi ngoài trời. Tại đây, nhiều loại rau, củ, quả rất “quê” như rau lang, chùm ngây, khổ qua, mã đề, những mẹt tôm sông còn nhảy tanh tách, những con cá bống bụng tròn quay... do chính những nông dân, ngư dân trồng, đánh bắt từ sông,  ruộng đồng đem về đây bán.

Chị Trần Thị Tuyết (người bán cá đồng) nói: “Bình thường chưa có chợ phiên thì tui bán trong nhà lồng, chợ phiên ngày chủ nhật được Ban quản lý chợ tạo điều kiện cho bán phía ngoài trời, không khí người mua bán rôm rả lắm. Cá, tôm sông tui bán do người thân đánh bắt được chừng nào thì mang tới chừng đó. Người mua cũng đông vì đồ luôn tươi ngon, dân họ quen biết hết rồi. Chỉ tầm 8 giờ, 8 giờ rưỡi là hết hàng”.

Qua quan sát của chúng tôi, điểm đặc biệt của phiên chợ này là mua bán rất nhanh gọn, dù giá cả các loại rau, cá địa phương tương đương với giá bán ở các chợ nội thành. Tuy nhiên cái được ở đây là mọi người đều khá tin tưởng với chất lượng sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Bích, nhà ở đường Cách mạng Tháng Tám cho hay, nghe bạn bè giới thiệu nên dù ở xa, chủ nhật nào có phiên đều phóng xe qua mua rau, cá. Đôi khi, khách đến trễ một chút hoặc chần chừ trả giá, những món hàng tươi ngon đã hết veo.

Một số phụ nữ tham gia chợ phiên vốn không phải buôn bán chuyên nghiệp, nhưng do đất đai trong nhà rộng đã trồng thêm những luống rau, ớt, hành… đem ra chợ bán nên không sử dụng thuốc thực vật. Có người chỉ mang đến vài bó rau cải, vài ngọn rau bí, mấy trái dưa leo ra chợ... bán cho vui là chính.

Được biết, trước đó, Hội LHPN phường phát động phong trào “Sống xanh”, vận động hơn 100 chị em hội viên là nông dân tận dụng các  lô đất trống trồng rau, củ, quả không thuốc bảo vệ thực vật, vừa cải thiện cuộc sống vừa tạo nguồn thực phẩm sạch phục vụ nhân dân địa phương. Để phiên chợ diễn ra đúng mục đích là cung cấp  thực phẩm sạch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, UBND phường, Hội LHPN phường và Ban quản lý chợ cử cán bộ trực giám sát, động viên chị em duy trì tốt mô hình này.

Ông Trương Xuân Hoàng, Trưởng Ban quản lý chợ Hòa Xuân cho biết: Chợ phiên Hòa Xuân hoạt động chủ yếu là giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương nhưng được dư luận đánh giá rất tốt. Để phát triển hoạt động thương mại đáp ứng yêu cầu văn minh, an toàn hơn nữa, sắp tới Ban quản lý chợ đề xuất với UBND quận Cẩm Lệ quy hoạch, sắp xếp lại lô quầy, ngành hàng để hộ kinh doanh có chỗ ngồi cố định, sạch sẽ. Chợ sẽ từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng không chỉ xây dựng “thương hiệu” cá đồng, rau vườn Hòa Xuân mà còn hướng tới mở khu chuyên ăn uống đặc sản tại chỗ của địa phương.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.