Kinh tế

Đưa thực phẩm sạch về Đà Nẵng: Còn nhiều khoảng trống

08:07, 18/11/2016 (GMT+7)

Với quyết tâm xây dựng một địa bàn an toàn về thực phẩm, chính quyền thành phố quyết liệt chỉ đạo các quận, huyện, ngành gấp rút triển khai nhiều nội dung cụ thể về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, các loại thực phẩm về chợ phục vụ cho khách hàng phải thực sự “sạch” đúng nghĩa. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất nhiều vướng mắc cần giải quyết...

Để đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng, cần kiểm soát nguồn gốc chặt chẽ.
Để đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng, cần kiểm soát nguồn gốc chặt chẽ.

Chưa thể an tâm

Tính đến tháng 10-2016, các ngành chức năng, UBND các quận, huyện tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhiều loại thực phẩm đã cho kết quả không an toàn. Sở Y tế phát hiện 35/880 cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống vi phạm các điều kiện.

Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố điều tra và xử phạt 6 cơ sở vi phạm với số tiền trên 20 triệu đồng, tiêu hủy 1.000kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; phát hiện 1 mẫu chả cá vi phạm và một số mẫu chưa có kết quả, 1 mẫu măng tươi tại huyện Hòa Vang dương tính với chất vàng ô.

Đoàn công tác phối hợp ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Y tế kiểm tra chuyên đề về ô nhiễm thực phẩm đã phát hiện 26 mẫu không đạt. Vào cuối tháng 7 đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm ở quận Hải Châu với 6 người mắc. Nguyên nhân là do sản phẩm mắm tôm chua và giá đỗ muối chua nhiễm Clostridium Perfringens vượt mức cho phép.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn với vai trò chủ lực trong lấy mẫu thử nhanh các loại nông sản, rau, củ, cá, tôm  tại các chợ. Cụ thể, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực phẩm, hóa chất độc hại và ô nhiễm vi sinh tại chợ đầu mối Hòa Cường với trung bình 50 mẫu/tháng, phát hiện 1 mẫu bắp cải Đà Lạt dương tính, 2 mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gồm nho Trung Quốc và táo Ninh Thuận. Đối với các vùng sản xuất rau của thành phố, có 2 mẫu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (gồm Carbedazim, Difenoconazole); phát hiện và xử phạt 4 trường hợp vi phạm về chất lượng nông – lâm - thủy sản tại các cửa hàng, quầy thực phẩm. Sở Công thương phát hiện 1 mẫu chả có hàm lượng Natri Benzoate vượt ngưỡng.... Với những kết quả nêu trên, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang đặt ra nhiều lo ngại.

Khoảng trống thực phẩm sạch tại các chợ

Hiện nay, nhiều chợ lớn trên địa bàn chỉ tiến hành lập dự toán nâng cấp hạ tầng, mua sắm trang thiết bị hướng tới xây dựng chợ đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Số chợ còn lại đang trong kế hoạch rà soát và việc phân bổ kinh phí phải để lại các năm tiếp theo. Chợ Đầu mối Hòa Cường nhiều năm nay thực hiện lưu chuyển nhiều loại rau, củ, nông sản từ khắp cả nước, nhưng khâu quản lý chất lượng mới chỉ thực hiện được “phần ngọn”.

Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản thành phố cho biết: “Chi cục có tổ công tác thường xuyên làm nhiệm vụ thử nhanh các mẫu rau, củ, quả tại chợ, nhưng cách này không giải quyết được tận gốc chất lượng thực phẩm. Hằng đêm, 200-300 tấn hàng về chợ, trong khi chỉ lấy vài chục mẫu thì không thể nói là bao quát một cách toàn diện. Hơn nữa, hiện nay thực phẩm về các chợ không có đầy đủ các giấy tờ cần thiết để chứng minh chất lượng, nếu các mẫu có vấn đề thì việc truy xuất nguồn gốc sẽ rất khó khăn”. 

Được biết, 1-2 năm trước, các chợ lớn trên địa bàn như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường triển khai các điểm, quầy bán rau, thực phẩm sạch tại chợ. Nhưng chỉ sau một thời gian, các quầy này đều ngưng hoạt động vì nhiều lý do. Một số đơn vị, doanh nghiệp từng tham gia quầy thực phẩm sạch tại các chợ như Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Túy Loan, HTX Nấm Như Mai, Công ty Hoa Đất, Công ty Việt Thiên Ngân... phải rút lui vì sức ép cạnh tranh về giá. Giá cao, nguồn hàng về chợ thất thường, lúc có lúc không, các giấy tờ chứng minh về nguồn hàng sạch không bảo đảm... là nguyên nhân khiến cho điểm bán thực phẩm sạch chết yểu.

Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ thừa nhận: “Các chợ đã tạo điều kiện về mặt bằng cho các đơn vị tham gia mua bán nhưng hiệu quả chưa cao nên không thể duy trì các điểm như thế này. Tuy nhiên, theo chỉ đạo, công ty đã làm việc với các đơn vị, HTX tiếp tục đưa hàng sạch vào các chợ.

Chẳng hạn, HTX Kim Thanh đang liên kết với một số HTX nông sản ở Hòa Vang phối hợp xây dựng mô hình điểm bán rau, quả an toàn. Chợ nào rộng rãi thì bố trí mặt bằng ngay. Cách làm này sẽ thực hiện từng bước để các đơn vị cung cấp đủ mạnh thì sẽ có các vệ tinh tham gia. Hướng thì như vậy, nhưng khả năng của doanh nghiệp rất hạn chế, vì thế chúng tôi mong thành phố có giải pháp hỗ trợ về kinh phí cho các đơn vị tham gia, đó cũng là hỗ trợ người tiêu dùng ban đầu. Hơn nữa, nguồn hàng nói chung về các chợ phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan trong việc kiểm soát nguồn gốc, xác nhận, đóng gói bao bì... Bởi nếu chỉ giám sát hàng ở địa phương thôi chưa đủ, hàng địa phương chỉ theo thời vụ, trong khi hàng hóa ở các địa phương khác chiếm trên 90%, nên hàng đại trà về chợ rất đáng lo ngại”.

Mặc dù đến nay, các cơ quan liên quan của thành phố đã phối hợp xây dựng nhiều kế hoạch kiểm soát đầu vào nguồn gốc các loại hàng hóa, thực phẩm về địa phương, song “hành trình” ngăn chặn thực phẩm bẩn rất cần sự quyết tâm của chính quyền các cấp.

“Để Đà Nẵng tham gia vào chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm thì các ngành chức năng của thành phố phải quản lý cho được nguồn hàng nhập về địa phương, phải làm việc với các tỉnh, thành phố cùng ký cam kết cung ứng thực phẩm an toàn. Chúng ta phải nắm cho được từ nơi trồng đến các cửa hàng bán lẻ, chứ không thể để cho các cửa hàng tự làm. Các ngành phải phấn đấu làm sao để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa sạch, đưa thực phẩm sạch vào phục vụ thị trường để người dân thực sự tin tưởng...”

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

.