Kinh tế
Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể
Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể trong nông nghiệp, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Ngành Nông nghiệp thành phố xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại Hợp tác xã Hòa Tiến 1. |
Trong việc hướng dẫn các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) lập các dự án và tham gia các chương trình khuyến ngư, nông, lâm, Sở NN&PTNT đã tư vấn, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các HTX, THT xây dựng các phương án, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh như dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (Dự án QSEAP), dự án “Nâng cao chất lượng giống lúa, đề án khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống”...
Kết quả, bên cạnh việc duy trì thực hiện một số dịch vụ cơ bản trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân phát triển sản xuất, các HTX nông nghiệp đã mở rộng một số dịch vụ, phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho thành viên như tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến nông sản, xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân… Một số HTX đã chuyển dần từ việc cung ứng đầu vào cho xã viên là chủ yếu sang tổ chức sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện các chính sách nhằm tạo điều kiện cho các HTX áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, từ năm 2009-2016, Sở đã hỗ trợ 14 lượt HTX, 2 làng nghề xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm mới, khôi phục ngành nghề truyền thống với tổng kinh phí hơn 730 triệu đồng. Từ năm 2009-2016, Sở NN&PTNT hỗ trợ 53 lượt HTX và THT đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 3,05 tỷ đồng để mua sắm máy làm đất, máy gặt đập liên hoàn, lò sấy lúa giống; hỗ trợ máy sấy nấm, lò hấp phôi, hệ thống phun sương, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt.
Thông qua các dự án như QSEAP, dự án nâng cao chất lượng lúa giống, chương trình “3 giảm, 3 tăng” (ICM), phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM), Sở NN&PTNT đã tổ chức các mô hình thí điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên rau, hoa, phát triển sản xuất và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu, chuyển đổi giống lúa từ dài ngày sang trung ngắn ngày; tổ chức chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho các HTX, THT sản xuất rau an toàn; hỗ trợ giống, vật tư phân bón và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh cho các hộ nông dân là thành viên các HTX, THT. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2009-2016 là 72,156 tỷ đồng; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Về nuôi trồng thủy sản, thông qua các đề án nuôi trồng, phát triển thủy đặc sản, Sở đã hỗ trợ các tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt áp dụng quy phạm thực hành nuôi tốt GAP, áp dụng các quy trình, quy phạm về vùng nuôi (GAP, BMP, CoC), tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí mua giống, thức ăn... cho các hộ là thành viên THT nuôi trồng thủy sản. Kinh phí thực hiện giai đoạn 2009-2016 là 745 triệu đồng. Trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sở đã thực hiện lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 50 tàu cá là thành viên của các tổ, đội khai thác hải sản.
Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở NN&PTNT đã dành nguồn kinh phí 400 triệu đồng để hỗ trợ các HTX nông nghiệp có dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm để cải tạo, nâng cấp lò giết mổ gia súc, gia cầm, thực hiện phương thức giết mổ treo.
Mặc dù vậy, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể vẫn còn những tồn tại và bất cập. Để tạo điều kiện cho các HTX, THT có điều kiện phát triển, trong những năm tới, thành phố cần quan tâm hơn nữa việc giải quyết các chính sách liên quan đến đất đai, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như trụ sở, nhà kho, nhà sơ chế…, hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất cho các HTX nông nghiệp.
Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, cần thiết phải có một chương trình đào tạo dài hạn cho cán bộ HTX. Đối với chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển ngành nghề nông thôn, ngoài việc hỗ trợ HTX, làng nghề mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước nên có chính sách về giá cả, tiền lương, tạo mối liên hệ gắn kết lợi ích giữa xã viên và HTX nhằm thu hút sự tham gia của người dân để phát triển thêm thành viên.
Bài và ảnh: L.G.A