Kinh tế

Hàng Tết lên kệ

07:46, 19/12/2016 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tung hàng Tết ra thị trường. Xuất hiện nhiều nhất trên các quầy, kệ của siêu thị, sạp chợ, cửa hàng là sản phẩm bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm công nghệ, giỏ quà tặng..., với mẫu mã, bao bì đa dạng.  

Thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống tiêu thụ mạnh trong dịp Tết.
Thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống tiêu thụ mạnh trong dịp Tết.

Đẩy mạnh hàng Tết

Những năm trước, giữa tháng 12, các điểm kinh doanh mới trưng giỏ quà Tết. Nhưng năm nay, từ tháng 11, các giỏ quà Tết truyền thống đã có mặt ở cửa hàng tạp hóa. Tại chợ Cồn, chợ Hàn, lượng hàng Tết tăng khoảng 30%, chủ yếu là quần áo, hàng thời trang, đặc sản địa phương như hải sản, bánh kẹo, mắm, hàng thủ công mỹ nghệ... Dạo quanh một số siêu thị lớn, hàng Tết là thực phẩm, hàng tiêu dùng được đóng gói với mẫu mã ấn tượng qua các gam màu đỏ, vàng, xanh.

Đại diện Siêu thị Intimex cho hay, các chủng  loại hàng Tết được thu mua tối đa, đầy đủ, với lượng hàng dự trữ tăng từ 25-35%. Nhưng hàng không đưa về ồ ạt bởi thực phẩm, bánh kẹo, sữa cần hạn sử dụng lâu dài nên “bán tới đâu, lấy tới đó”, để giảm chi phí kho hàng, bến bãi, tồn đọng vốn.

Năm nay, siêu thị có thêm nhiều sản phẩm mới, nhãn hàng mới mang tính thời vụ như nông sản, thịt hun khói của các trang trại miền Tây mới ra mắt thị trường Đà Nẵng. Các giỏ quà tặng phân cấp từ 250.000 đồng đến 2-3 triệu đồng/giỏ. Sản phẩm hạt mac-ca của Việt Nam cũng được chào bán với bao bì mẫu mã khá đẹp mắt.

Dịp này, Co.opmart Đà Nẵng đưa ra nhiều sản phẩm nhãn hàng riêng mới với chất lượng vượt trội, chuyên biệt phục vụ Tết như bánh mứt, nho khô, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa, thịt heo muối mắm... và một số mặt hàng đặc sản truyền thống khác.

Hàng nội địa có mặt trong siêu thị vẫn chiếm 90% với tổng lượng hàng dự kiến cho 3 tháng trước, trong và sau Tết hơn  2.000 tấn, tăng 15% so với năm trước. Riêng lượng hàng bình ổn giá tăng từ 5-20% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có độ tăng trưởng khác nhau từ 10-25%, dự kiến tăng cao nhất ở nhóm nước giải khát, bia, trái cây và rau, quả.  

Tại Siêu thị BigC, hàng hóa khá phong phú. Lượng hàng tăng 20-30% so với năm ngoái. Đặc biệt, các loại giỏ quà với giá cả phù hợp túi tiền của người thu nhập thấp được chú trọng. Các sản phẩm mới đã hiện diện tại đây như cháo gà ác, cháo cá hồi yến, lẩu tết và sản phẩm viên (Công ty Saigon Food).

Sản phẩm trứng gà (Công ty Ba Huân), nem, giò, chả (Công ty Thực phẩm Cầu Tre) có sản lượng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm như xúc xích, lạp xưởng, bánh flan… đủ thương hiệu, có nhiều kiểu dáng hiện đại.  

Tết này, Siêu thị Metro có nhiều sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo mới xuất xứ từ các nước trong khu vực. Để tận dụng thế mạnh về các loại gia vị nhập khẩu, Metro thiết kế giỏ quà chuyên về gia vị để bổ sung nguồn quà lạ tặng khách hàng.

“Người tiêu dùng có quá nhiều lựa chọn khi đứng trước quầy kệ. Vì vậy, sản phẩm chất lượng chưa đủ, nhà sản xuất phải cải tiến mẫu mã đẹp và bắt mắt mới thu hút sự chú ý của khách hàng”, nhân viên ngành hàng thực phẩm của siêu thị này nói.

Cạnh tranh về giá

Từ 45 ngày trước Tết, BigC áp dụng chính sách “khóa giá”, giữ ổn định giá tất cả mặt hàng 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Ngay từ nhiều tháng trước, BigC đã chủ động có kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường; bảo đảm cung ứng đến người tiêu dùng đầy đủ sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm.

“Bên cạnh triển khai giảm giá từ 10-50% cho hàng ngàn sản phẩm dịp Tết, trong những ngày cận Tết, Co.opmart sẽ cùng một số nhà cung cấp tham gia giảm giá sâu cho các sản phẩm tươi sống đặc trưng Tết theo các chủ đề...

Với sức mua dự kiến tăng cao so với ngày thường, nhằm bảo đảm sự thuận tiện của khách hàng khi mua sắm, siêu thị đã có kế hoạch tăng giờ mở cửa, tăng số lượng nhân sự và trang thiết bị để phục vụ khách hàng nhanh và chu đáo hơn”, ông Phan Thống, Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng cho biết.

Bà Phan Như Yến, Giám đốc Siêu thị Intimex Đà Nẵng đánh giá: “Hàng hóa Tết này về dồi dào nhưng xu hướng tiêu dùng sẽ có sự thay đổi. Chẳng hạn trước đây bánh kẹo Việt Nam rẻ hơn, nhưng bây giờ hàng trong nước giá tăng hơn so với hàng Thái Lan hoặc ngang bằng hàng của Malaysia do thuế nhập khẩu đã giảm.

Đơn cử như bánh yến mạch chuyển giao công nghệ của Ý giá chỉ hơn 30.000 đồng; trong khi bánh của Kinh Đô, Hải Châu đắt hơn, nên vấn đề cạnh tranh về giá sẽ xảy ra. Điều này rất đáng lo ngại đối với doanh nghiệp trong nước”.

Trong khi các nhà bán lẻ lớn tìm mọi cách giữ giá để giữ chân khách hàng thì thị trường tự do luôn phập phồng yếu tố tăng giá tiềm ẩn. Các tiểu thương thừa nhận nhóm hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu, đồ uống cao điểm mua sắm càng gần Tết luôn “nhảy” giá.

Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực thương mại cần làm tốt công tác dự báo chính xác, đồng thời đưa ra giải pháp điều tiết thị trường linh hoạt hơn trong thời gian tới.

“Tết là dịp hàng nội, hàng ngoại chen chúc trên các quầy kệ. Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng bất chính trà trộn hàng giả, hàng nhái để bán cho người tiêu dùng. Điều này không chỉ gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất uy tín trong nước mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong lúc cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được đẩy mạnh, sâu rộng trong nhân dân. Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn kịp thời và hiệu quả vấn nạn hàng giả, hàng nhái, trả lại sự lành mạnh cho thị trường”

Ông Nguyễn Xuân Sơn

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Kinh doanh - XNK Hương Quế

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

.