Kinh tế
Ngư dân hỗ trợ nhau trên biển
Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết, trong tình hình tàu nước ngoài thường xuyên va đâm, kèm với thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, hoạt động đánh bắt, khai thác theo tổ, đội sản xuất an toàn, đoàn kết sẽ giúp ngư dân yên tâm hơn.
Ngư dân khai thác theo tổ, đội an toàn, đoàn kết sẽ hỗ trợ nhau tích cực ở ngoài biển khơi. |
Theo ông Lĩnh, hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng đã thành lập gần 100 tổ, đội đánh bắt an toàn, đoàn kết trên biển, với hàng trăm tàu cá có công suất lớn. Nhiều nhất là quận Sơn Trà với 73 tổ, trong đó có 48 tổ khai thác xa bờ, với 266 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Hoạt động của các tổ, đội phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, thể hiện qua việc làm cụ thể như thông tin ngư trường, chia sẻ kinh nghiệm khai thác, cùng phát triển nghề khai thác hải sản và hỗ trợ lai dắt, cứu hộ cứu nạn khi có tàu thuyền trong tổ gặp tai nạn trên biển.
Lão ngư Lê Văn Xin (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa 90026 chia sẻ, thời gian qua, ngư dân tại địa phương hoạt động đánh bắt theo tổ, đội đã hỗ trợ nhau rất nhiều như: hỗ trợ khi có sự cố, phân công trách nhiệm lai dắt, giúp đỡ nhau khi bị mất lưới, tìm lưới..., cung cấp thông tin cho nhau về ngư trường nguồn lợi, thị trường giá cả nên tránh bị tư thương ép giá, góp phần tăng thêm thu nhập của người lao động. Ông Xin hơn 30 năm bám biển, chủ yếu ngư trường Hoàng Sa, đã không ngại chia sẻ với các thành viên trong đoàn, từ luồng cá, mành lưới, đến những can dầu, đặc biệt sẵn sàng bỏ biển để tìm kiếm và lai dắt tàu bạn khi bị nạn.
Ngư dân Lê Văn Chiến (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) hơn 20 năm bám biển Hoàng Sa đã quản lý 9 tàu trong tổ với hơn 90 lao động. Nhiều năm qua, mỗi lúc khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, bằng kinh nghiệm của mình, ông thường xuyên phát hiện các luồng cá rồi thông báo mọi người cùng khai thác. Một số thành viên trong tổ khai thác hải sản xa bờ phường Xuân Hà cho rằng, nhờ kinh nghiệm biển cả của ông Chiến, anh em trong tổ, đội luôn khai thác hiệu quả, đời sống ngày càng khấm khá hơn. Không chỉ vậy, tổ đội của ông Chiến cũng thường xuyên hỗ trợ lẫn nhau trong việc cứu kéo tàu bạn bị nạn. Điển hình, tàu của ông đã trực tiếp cứu sống 17 thuyền viên tàu ông Phạm My Em (ở quận Liên Chiểu) bị nổ bình gas bốc cháy trong khi đang câu mực ở Biển Đông, chuyển giao cho tàu cứu nạn kịp thời và an toàn; năm 2013, kịp thời lai dắt tàu ĐNa 90385 của ông Hồ Tấn Phước (ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) bị gãy láp, chết máy ở ngoài khơi, trên tàu có 14 thuyền viên.
Ngư dân Nguyễn T. (ở quận Sơn Trà) quan niệm: “Buôn có bạn, bán có phường”. Chính từ suy nghĩ đó, ngay khi có chủ trương thành lập tổ, đội sản xuất trên biển, ông lập tức gia nhập và đã chia sẻ với nhau những luồng cá, cứu kéo, lai dắt khi tàu bạn bị nạn. Ông T. cho biết, cách đây vài năm, khi đang đánh bắt ở biển xa, máy dò ngang trên tàu phát hiện một luồng cá lớn. Vui mừng, ông cùng các thuyền viên bám đuổi đàn cá để đánh bắt thì bất thình lình có gió lớn, sóng cao đánh tàu chết máy. Ông đã liên lạc với các tàu trong tổ khai thác đến hỗ trợ lai đắt về bờ mà không phải tốn phí. Lần khác, tàu của ông T. cũng tìm được một luồng cá lớn. Thả mẻ lưới đầu tiên, ông thu hoạch gần hai chục tấn cá. Sức chứa của tàu có hạn, ông liền thông báo cho các tàu trong tổ, đội đoàn kết đến vây bắt. Kết quả, chuyến đi biển chỉ vài ngày nhưng 3 tàu trong tổ, đội đầy ắp cá…
Còn ngư dân Lê Văn Khăng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho rằng, ngoài chia sẻ ngư trường, việc hỗ trợ lai dắt nhau khi có sự cố, đánh bắt theo tổ, đội luôn giúp ngư dân vững tin hơn khi phải đối mặt với tàu nước ngoài đe dọa, tấn công trên biển, dù mình đánh bắt hợp pháp.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ