Kinh tế

Chuẩn bị hàng Tết: Doanh nghiệp còn e dè

08:15, 30/11/2016 (GMT+7)

Để cung cấp nguồn hàng cho thị trường Tết, hiện nay nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đẩy mạnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sức mua chưa thực sự tăng cao, cùng với những khó khăn khiến các doanh nghiệp còn e dè tăng sản lượng hàng hóa.

Các đơn vị làm hàng thủy sản phục vụ Tết đang gặp khó về thị trường.
Các đơn vị làm hàng thủy sản phục vụ Tết đang gặp khó về thị trường.

Làm cầm chừng

Đại diện Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến Đà Nẵng - chuyên sản xuất hàng hải sản khô, cho biết, sau vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, hiện nay công ty không có kế hoạch tăng cường thu mua nguyên liệu làm hàng Tết như mọi năm và đang cân nhắc về nguồn hàng nhập vào. Do sức mua giảm nên doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, chỉ sản xuất cầm chừng để phục vụ cho các điểm hiện có, không khai thác thêm các điểm tiêu thụ mới ở thị trường nội địa.

Doanh số của công ty trong năm 2016 ở tình trạng tháng sau luôn giảm mạnh so với tháng trước; cụ thể, sản lượng tại các siêu thị sụt giảm 50%. Bà Phạm Thị Thu Nga, Giám đốc phát triển thị trường Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến cho hay: “Nếu nói về ước tính sản lượng tăng trưởng thì hiện công ty chúng tôi không thể ước tính được như các năm trước, bởi sức mua liên tục giảm.

Chúng tôi cố gắng cuối năm sẽ tung ra các chương trình khuyến mãi và cho khách sử dụng thử hàng hóa để tạo thêm doanh số cho các cửa hàng. Hy vọng, qua năm 2017, mọi diễn biến về tình hình nguồn nguyên liệu có khả quan hơn thì chúng tôi sẽ đẩy mạnh đưa hàng hóa nội địa vào các siêu thị hiện có mặt tại Việt Nam”.

Sản phẩm rượu Hibicus mang thương hiệu Đà Nẵng dù được thị trường đón nhận khá tốt, nhưng kế hoạch sản xuất của DN trong mùa Tết này vẫn dừng ở mức 10.000 chai (khoảng 20.000 lít). Số lượng năm nay không tăng so với năm trước, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho người dân Đà Nẵng.

Bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chăm Chăm chia sẻ: “Thị trường khó đoán lắm, có khi phải đến sát ngày mới biết sức tiêu thụ như thế nào, cho nên công ty không tăng sản lượng để đảm bảo nguồn hàng không tồn đọng. Nhưng chúng tôi cũng cam kết cung cấp đủ cho thị trường dịp này và khả năng đầu ra không hụt hàng. Hiện nay, công ty mở rộng thêm nhiều sản phẩm mới nhưng đây là giai đoạn đầu tư ban đầu nên vẫn còn không ít khó khăn...”.

Mặc dù tháng 11 này, các đơn hàng từ nhà phân phối, đại lý đều tăng nhanh về số lượng, nhưng đại diện Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hương Quế thừa nhận: “Sức mua của thị trường có tăng nhưng không nhiều và cũng chưa có điểm nổi bật. Năm 2016, thị trường nội địa của công ty tăng trưởng khoảng 7% so với 2015. Công ty cũng không hy vọng tăng trưởng nhiều bởi điều kiện của DN và các chi phí để cơ cấu giá thành chưa được cải thiện.

Cần các chính sách hỗ trợ

Đại diện Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến cho rằng: Để DN tập trung thay đổi hướng kinh doanh phù hợp với thực tế và duy trì việc làm cho người lao động, các tổ chức tín dụng cần có chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hoặc gia hạn các khoản dư nợ vay để DN tạm thời không bị áp lực về nguồn trả nợ.

Đối với cơ chế vay và hồ sơ vay vốn cần thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, chính sách thuế cần cải thiện để giảm thuế thu nhập DN đối với thu nhập từ ngành thủy sản, cũng như gia hạn ngày nộp thuế đối với thuế nói trên và các loại thuế khác liên quan.

Các cơ quan có chức năng cần công bố theo định kỳ các chỉ tiêu liên quan đến hàng thủy hải sản, nhất là khu vực miền Trung để người dân an tâm trong việc khai thác và sử dụng. Bản thân DN khi cung cấp thực phẩm ra thị trường đều bảo đảm các chỉ tiêu này, nhưng không đủ kinh phí để quảng cáo rộng rãi trên thị trường và sức ảnh hưởng không bằng các cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước quy định công bố.

Về lãi suất hiện nay, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hương Quế bày tỏ: “Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước mong muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho DN đủ sức phát triển và cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập, nhưng lãi suất ngân hàng lại ngày một tăng. Chẳng hạn, hồi tháng 7, tháng 9-2016, lãi suất cho vay 7% nhưng tháng 10-2016 lại nâng lên 8%/năm.

Hiện nay chúng tôi rất cần mặt bằng sản xuất, nhưng kiến nghị nhiều lần và có nhiều lời hứa mà vẫn chưa được giải quyết. Chính quyền thành phố và các ngành liên quan cần nhìn rõ thực trạng của các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là DN sản xuất các sản phẩm tiêu dùng. Trên cơ sở đó phải thực sự hỗ trợ trên tinh thần DN và chính quyền đối thoại thẳng thắn, có kết luận rõ ràng”.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

.