Kinh tế

Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân

08:01, 29/12/2016 (GMT+7)

* Đà Nẵng đề nghị sớm có cơ chế đặc thù đối với Khu công nghệ cao

Sáng 28-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2017. Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam. Chủ trì tại đầu cầu Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ 10 thành tựu nổi bật năm 2016, đó là: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế khá, trong đó CPI tăng 4,74%, GDP tăng 6,21%, tín dụng tăng khoảng 17%, dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay đạt 41 tỷ USD, thu ngân sách Nhà nước đạt mục tiêu đề ra;

lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn; thu hút đầu tư nước ngoài đạt cao kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay với vốn FDI đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm ngoái; khu vực dịch vụ tăng mạnh, đạt 6,98%, lần đầu tiên Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế; môi trường kinh doanh được cải thiện, xếp thứ 82/190 quốc gia được xếp hạng, tăng 9 bậc so với năm 2015;

xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, có 30 đơn vị cấp huyện và 2.235 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 8,5%, tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lượt người; không còn nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ;

chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; xử lý tốt các vấn đề quan trọng, cấp bách, bức xúc, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 9 hạn chế, tồn tại gồm: ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 36,7% do giá dầu thô giảm mạnh; thiên tai, hạn hán, bão, lũ, lụt, xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng; sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung;

các dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn; các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng; xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

có các sai phạm trong công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh; xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm (xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giảm 4 bậc, ở vị trí 60; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu giảm 7 bậc, Việt Nam xếp hạng 59 trong tổng số 128 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á).

Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt với tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội năm 2017 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày, khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhiều mục tiêu đề ra, trong đó rút ngắn thời gian thực hiện thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ; cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 90 ngày; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 14 ngày; thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu…

Chính phủ sẽ có những chính sách, những nghị quyết nhằm quản lý nền kinh tế hiệu quả hơn, trong đó dứt khoát không để xảy ra bong bóng bất động sản trong năm tới.

Về phần kiến nghị gửi lên Chính phủ, Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng; đề nghị Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, cho phép xây dựng và ban hành nghị định đặc thù đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Về nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có thông báo bổ sung 400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 131/TB-VPCP ngày 16-6-2016 và Bộ Tài chính tiếp tục tạm ứng thêm 200 tỷ đồng.

Nhằm tạo bước đột phá phát triển ngành du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá thí điểm áp dụng cho cụm du lịch trọng điểm miền Trung (Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) như một số địa phương trong nước (Phú Quốc, Quảng Ninh, Lâm Đồng) đang được áp dụng.

Đồng thời, cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Cảnh sát du lịch nhằm tăng cường trách nhiệm giải quyết triệt để các đối tượng hàng rong, chèo kéo khách, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách.

Bên cạnh đó, cho phép Đà Nẵng áp dụng giá ưu đãi giảm lệ phí phục vụ hành khách tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng xuống khoảng 10-12 USD/hành khách. Mở rộng cửa khẩu Đắc Tà Ốc thành cửa khẩu quốc tế và nâng cấp tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2 kết nối Đà Nẵng với các tỉnh nam Lào đến Chămpasăk và các tỉnh đông bắc Thái Lan nhằm rút ngắn hơn quãng đường bộ từ Thái Lan, Lào đến Đà Nẵng, thuận lợi cho việc đưa khách đến miền Trung; đồng thời tạo điều kiện khai thác khách các vùng nam Lào.  

Đối với nguồn vốn trung hạn 2016-2020 của thành phố, vừa qua, Trung ương thông báo giảm số vốn trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 từ 3.811 tỷ đồng còn 2.031 tỷ đồng (tương ứng giảm 46,7%). Đây là mức giảm quá lớn, gây khó khăn về nguồn lực đầu tư phát triển của thành phố trong thời gian đến trong việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo Kết luận số 75-KL/TW, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị. Do vậy, Đà Nẵng đề nghị giữ nguyên 3.811 tỷ đồng.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đề nghị Trung ương trả 1.300 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản của các công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để thanh toán dứt điểm cho đơn vị thi công nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các nhà thầu...

Hội nghị tiếp tục diễn ra trong hôm nay (29-12).

KHÁNH HÒA

.