.

Sinh viên giúp nhau tiếp cận công nghệ mới

.

Các “đại sứ” sinh viên của chương trình Microsoft Students Partner (MSP - Đối tác sinh viên Microsoft) tại Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động nhằm chia sẻ công nghệ mới, hỗ trợ việc học tập của chính mình và bạn bè.

Một buổi hội thảo chia sẻ công nghệ với sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng của các thành viên chương trình Microsoft Students Partner.
Một buổi hội thảo chia sẻ công nghệ với sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng của các thành viên chương trình Microsoft Students Partner.

Hành trình đến với chương trình MSP của Lê Đình Tư (sinh viên năm 4, khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) xuất phát từ cảm hứng do chính các cựu thành viên của MSP truyền lại.

Tư chia sẻ, sinh viên CNTT lâu nay thường bị gắn với cái “nhãn” mọt sách, chỉ ngồi một chỗ cặm cụi lập trình. Tuy vậy, các thành viên của MSP khác hẳn. Cũng là “dân” CNTT nhưng các sinh viên này rất năng động, biết cách kết nối cộng đồng, chia sẻ kiến thức và kỹ năng. “Vì vậy, khi có đợt tuyển tại Đà Nẵng, em đã làm đơn đăng ký ngay”, Tư cho biết.

Để được chọn làm đại sứ công nghệ sinh viên của Microsoft, Tư phải trải qua 3 vòng thi, từ nộp đơn, “giải bài tập” đến phỏng vấn. Dựa trên nguyện vọng và kỹ năng, các thí sinh thành công sẽ được phân vào 3 nhóm chuyên phụ trách nhân sự, truyền thông và kỹ thuật.

Tư chọn nhóm nhân sự. “Nhiệm vụ chính của các thành viên MSP là phải tìm cách để lan tỏa và chia sẻ công nghệ mới đến với các bạn sinh viên, giúp các bạn trong việc học tập”, Tư nói. Một trong các hỗ trợ của Microsoft dành cho sinh viên là bộ công cụ Microsoft Office 365 với hơn 20 công cụ hỗ trợ việc giảng dạy và học tập miễn phí như ứng dụng “Sổ tay lớp học”, Sway (giúp tạo các bài học tương tác), Flow (giúp thực hiện các buổi thuyết trình)...

Để giúp bạn bè tiếp cận công nghệ mới, các “đại sứ sinh viên” của MSP hỗ trợ Microsoft Việt Nam tổ chức các hội thảo và các cuộc thi công nghệ. Chia sẻ về hội thảo giới thiệu Microsoft App Studio vào tháng 1-2015, thu hút sinh viên các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng, Lê Đình Bảo (cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), cựu thành viên tích cực của MSP Đà Nẵng cho biết: “Tại hội thảo này, chúng mình giới thiệu các công cụ xây dựng ứng dụng trên điên thoại chỉ bằng cách kéo thả các mô-đun như RSS, hình ảnh, chữ, đoạn phim ngắn. Công cụ này rất đơn giản, ngay cả sinh viên không theo ngành CNTT cũng có thể làm được”.

Sau hội thảo, cuộc thi Hackathon App Studio 2015 được tổ chức để sinh viên có dịp áp dụng “nóng” kiến thức. Với công cụ App Studio của Microsoft, hơn 200 thí sinh có một tuần để phát triển sản phẩm theo 3 chủ đề: văn hóa Việt Nam, cuộc sống số và ẩm thực miền Trung.

Tư cho biết, ngay cả khi không tổ chức hội thảo, các “đại sứ công nghệ” cũng có thể chia sẻ bằng cách tự mình trở thành một “tấm gương”. Bình thường sinh viên thường thuyết trình bằng công cụ PowerPoint, bao nhiêu “thế hệ” nay vẫn thế.

Trong khi đó, nhiều công cụ mới, nhiều điểm mạnh, nhiều tiện ích hơn đã ra đời mà không được các bạn “ngó ngàng” đến. Khi mình sử dụng một công cụ như vậy trong buổi thuyết trình, các sinh viên khác tò mò muốn tìm hiểu nhiều hơn và mình đạt được mục đích chia sẻ công nghệ.

Anh Bạch Tường Trí, Trưởng nhóm MSP khu vực miền Trung và miền Nam cho biết, kể từ năm 2008, MSP Việt Nam được thành lập với mục đích hỗ trợ sinh viên tiếp xúc với CNTT. MSP hoạt động với tinh thần “chia sẻ để được chia sẻ”. Theo đó, các “đại sứ công nghệ” sinh viên được tiếp cận những công nghệ mới nhất của Microsoft, từ đó tiếp tục phổ biến cho bạn bè của mình. Hiện trên cả nước có khoảng 70 “đại sứ” như vậy.

Theo Lê Đình Tư, điều khó nhất không phải là giúp sinh viên tiếp cận công nghệ mới, mà phải làm sao để các bạn sử dụng lâu dài. “Nhiều người thích dùng những gì thân thuộc, theo lối mòn, làm cản trở tiềm năng của chính họ”, Tư nói.

Bộ ứng dụng Office 365 đã được “phủ sóng” ở hầu khắp các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, với hơn 14.000 tài khoản được kích hoạt. Thầy Đặng Duy Thắng, giảng viên khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đánh giá chương trình có tính thiết thực, mang lại hiệu quả cao. “Các sinh viên bày tỏ mong muốn được tiếp tục tiếp cận các công cụ công nghệ mới hỗ trợ việc học, đặc biệt là sinh viên khối CNTT”, thầy Thắng nói.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.