Kinh tế

Du lịch góp phần thay đổi diện mạo Đà Nẵng

09:03, 31/01/2017 (GMT+7)

ĐNĐT – “Ngành du lịch Đà Nẵng đã có bước phát triển khá nhanh, trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của thành phố, góp phần thay đổi diện mạo đô thị”.

Đây là khẳng định của Giám đốc Sở Du lịch thành phố Ngô Quang Vinh về những đóng góp của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Du lịch phát triển đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, cải thiện môi trường, kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế khác, kích thích đầu tư.
Du lịch phát triển góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, cải thiện môi trường, kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế khác.

5 năm, tỉ trọng du lịch tăng gấp đôi

Theo đánh giá của Sở Du lịch, du lịch đóng góp vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Cụ thể, năm 2010, thành phố đón 1,7 triệu lượt khách. Năm 2016, đón 5,51 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch gần 16.000 tỉ đồng.

Tỉ trọng đóng góp của du lịch trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố) tăng đều trong các năm, năm 2010 là 10,71%, năm 2015 là 20,24%. Tỉ trọng đóng góp của du lịch trong dịch vụ của năm 2010 là 17,18%, năm 2015 là 37,99%.

Với tính chất là ngành kinh tế mang tính liên ngành, liên vùng cao, xuất khẩu tại chỗ, thu ngoại tệ trực tiếp…, du lịch phát triển đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, cải thiện môi trường, kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế khác, kích thích đầu tư.

Chi tiêu từ du khách không chỉ dành riêng cho các hoạt động du lịch mà còn góp phần làm tăng doanh thu các hoạt động khác như: vận chuyển (hàng không, đường biển, đường bộ, đường thủy), dịch vụ giải trí (casino, golf, bar, vũ trường), nông nghiệp, truyền thông, bưu chính viễn thông, ngần hàng…

Khách du lịch đến Đà Nẵng nhiều kéo theo sức mua sắm, ăn uống tăng, điển hình là tại chợ Hàn, sức mua của khách du lịch và tổng thu nhập của các cửa hàng bán lẻ hàng hóa tại chợ trong năm 2015 tăng 60% so với năm 2014, sức mua trong mùa cao điểm du lịch (từ tháng 5-9) tăng 30%.

Du lịch phát triển góp phần tạo việc làm, an sinh xã hội...
Du lịch phát triển góp phần tạo việc làm, an sinh xã hội...

Hiện nay, cơ sở lưu trú của Đà Nẵng đã vươn lên đứng thứ 3 cả nước, gồm: 14 khách sạn 5 sao, 26 khách sạn 4 sao và 70 khách sạn 3 sao. Trên địa bàn thành phố cũng có hơn 4.000 nhà hàng phục vụ du khách…

Tác động tích cực của phát triển du lịch là góp phần tạo việc làm, an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhân lực phục vụ ngành du lịch của Đà Nẵng ngày càng tăng, mỗi năm tăng trung bình 2.000 lao động trực tiếp. Thực tế, du lịch đã tạo ra nhiều việc làm mới và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội…

Du lịch phát triển, người dân thành phố cũng được hưởng lợi từ việc tham gia các sự kiện, sử dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch… Hàng năm, các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh (ở chợ Hàn, chợ Cồn, kinh doanh bãi biển) được tham gia các chương trình đào tạo miễn phí về nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp với khách du lịch, văn minh du lịch… Riêng trong năm 2016, đã có 28 lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch.

Nhờ đầu tư phát triển hạ tầng về phía biển, làng hoa Phước Mỹ ngày nào giờ là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của Đà Nẵng
Nhờ đầu tư phát triển hạ tầng về phía biển, làng hoa Phước Mỹ ngày nào giờ là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của Đà Nẵng

Quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương

Khi đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu về giao lưu văn hóa, nâng cao trình độ được chú trọng, ngành du lịch giúp người dân mở rộng giao tiếp với du khách từ nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, thông qua du lịch, văn hóa địa phương và các vùng biển được bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị và được giới thiệu, quảng bá rộng rãi.

Du lịch cũng giúp phục hồi các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật đương đại như: đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch các chương trình diễn nghệ thuật tuồng, hô bài chòi, các hoạt động trục văn hóa lễ hỗi hai bên bờ sông Hàn, khai thác các thiết chế văn hóa như Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, danh thắng Ngũ Hành Sơn…

Du lịch cũng giúp phục hồi các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, trong đó, đã khôi phục hát bả trạo độc đáo ở lễ hội cầu ngư quận Sơn Trà
Du lịch cũng giúp phục hồi các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, trong đó, đã khôi phục hát bả trạo độc đáo ở lễ hội cầu ngư quận Sơn Trà

Hoạt động du lịch của thành phố cũng sôi động hơn cùng với các chương trình, sự kiện văn hóa – thể thao – du lịch như: Cuộc thi trình diễn pháp hoa quốc tế, Đua thuyền buồm vòng quanh thế giới – Clipper Race 2015-2016, Hội chợ du lịch quốc tế, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG) lần thứ 5…, tiếp tục nâng cao hình ảnh thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Ngô Quang Vinh, Sở Du lịch đã kiến nghị và được lãnh đạo thành phố đồng ý chủ trương thuê chuyên gia thực hiện việc đánh giá, xác định những đóng góp của ngành du lịch đối với nền kinh tế, từ đó có cơ sở để đưa du lịch Đà Nẵng thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.