Kinh tế
Người làm tròn phận sự
Nhắc chuyện được vinh danh là 1 trong 20 công dân tiêu biểu nhân ngày TP. Đà Nẵng kỷ niệm 20 năm trực thuộc Trung ương, ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Dệt may 29/3 từ tốn nói: “Còn nhiều người xứng đáng mà chúng ta chưa có cơ hội nhắc tên. Họ sống âm thầm và cống hiến lặng lẽ cho thành phố.
Còn tôi chỉ là làm tốt phận mình. Điều mà khi mỗi công dân làm được thì Đà Nẵng sẽ còn giàu và đẹp hơn hôm nay”.
Hơn 4000 công nhân lao động yên tâm lao động, sản xuất tại các nhà xưởng mang tên "29/3" hôm nay |
Thăng trầm đời người, đời phố
Ông Chính “hai chín tháng ba” là cái tên thân thuộc mà nhiều người hay nhắc về vị Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Chính. Và nếu ai đó muốn hiểu về chuyện dựng nghiệp, chuyện đời người Đà Nẵng thì có lẽ ít ai biết rõ hơn ông. Người đã có 40 năm thăng trầm cùng thành phố, từ ngày đất nước thống nhất (1975) cho đến hôm nay.
Mở đầu câu chuyện về cuộc đời gắn với nghiệp dệt may của mình, ông Chính kể mạch lạc về những buổi họp bàn, mà một câu nói của cấp lãnh đạo bấy giờ khiến ông còn nhớ mãi: “Thành phố lớn như Đà Nẵng mà từ cái tăm đến chiếc khăn cũng phải nhập khẩu nước ngoài hay phải mua tận Sài Gòn…!”.
“Từ chính hiện thực đó, rồi sau nhiều ý kiến, lập cả đoàn vào tận TPHCM khảo sát, chúng tôi quyết định thành lập Tổ hợp dệt 29/3”, ông Chính kể. Thời điểm ấy, không chỉ riêng Đà Nẵng mà cả đất nước vẫn còn khét mùi bom đạn sau giải phóng, khó khăn chồng chất. Thế nhưng, trong chính lúc bấy giờ, việc lấy tên ngày giải phóng thành phố đặt cho Tổ hợp dệt với ông Chính có ý nghĩa đến tận hôm nay: “Chúng tôi luôn bảo nhau, rằng để làm nên ngày hòa bình độc lập - những chuyện khó khăn đến vậy chúng ta còn làm được thì sau này, có khó mấy cũng phải vượt qua”.
Đúng như lời dự báo ấy, 40 năm thành phố đổi thay cũng là chặng đường dài chẳng dễ dàng với một doanh nghiệp. Đó là thời kì mà ông Chính kể bằng giọng dí dỏm: “Cây đinh phải đăng ký, trái bí phải xếp hàng”, cho đến thân phận giám đốc phải chịu cảnh “Hai chân phải chạy vật tư. Đầu đội luật pháp, chứng từ hai vai”.
Vậy nên, nhắc chuyện thành công hôm nay nhưng ông Chính vẫn không quên: “Tôi vẫn như in cảm xúc của anh em công nhân trong những ngày lao động đầu tiên. Họ đi làm trong niềm hân hoan, đến nhà xưởng mà lòng vui phơi phới. Và cũng chẳng bao giờ quên những ngày dài nhìn chính những người công nhân đó không có việc làm, hàng hóa không có nơi xuất đi. Hết khó khăn nội tại đến chạy xin cơ chế, rồi tình hình chính trị trong nước, quốc tế. Mỗi một biến động là một lần gượng mình đổi thay theo”.
Suốt mạch câu chuyện về những biến cố cho đến ngày có được cái tên “Dệt may 29/3”, có câu chuyện khiến nhiều người bất ngờ. Năm 1992, công ty đứng trước bờ vực phá sản, ông Chính đánh bạo ngỏ lời vay mượn anh em công nhân! “Số tiền vay lúc đó với mỗi người lớn lắm nhưng may sao ai cũng đồng thuận.
Vậy mới thấy chính họ hiểu rõ hơn ai hết sự tồn tại của doanh nghiệp ảnh hưởng đến cuộc sống của họ lớn thế nào”, ông Chính kể. Từ số tiền anh em tích góp, nhà xưởng mới được xây dựng, những đối tác mới lại đến, công ty lại hồi phục.
40 năm nhìn lại từ một tổ hợp với 38 cổ đông, mặt hàng chủ yếu cung cấp cho tiêu dụng nội địa, trải qua những bước thăng trầm trong quá trình chuyển đổi mô hình lên xí nghiệp Công tư hợp doanh, nhà máy Quốc doanh và nay - Công ty CP Dệt may 29/3 là doanh nghiệp uy tín hàng đầu Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm gần trăm triệu đôla Mỹ qua các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ. Không chỉ vậy, với hơn 4.000 lao động đang làm việc tại các nhà xưởng, cái tên Dệt may 29/3 đang mang lại cơm no áo ấm cho hàng nghìn gia đình.
Đến thăm cơ sở công ty hôm nay, hai chữ “uy tín” được ghi nhớ từ dòng khẩu hiệu, đến người lãnh đạo và từng người công nhân. “Đó là uy tín với chính quyền thành phố với người dân, uy tín với khách hàng, đối tác và cuối cùng là uy tín giữa lãnh đạo với công nhân viên”.
Ông Chính hồ hởi khoe, Tết này công ty đã thông báo sẽ cho anh em công nhân nghỉ 12 ngày, tiền thưởng Tết trong nay mai tất cả có thể nhận để sắm sửa cho gia đình. “Chúng tôi làm tất cả chỉ mong mọi người cũng sẽ giữ uy tín với công ty. Chúng ta sống uy tín với nhau để tạo ra những điều tốt nhất cho chính chúng ta và những người xung quanh. Còn gì tốt hơn nữa”. Trong câu chuyện nhắc về những người công nhân, ông Chính cũng hân hoan như niềm vui của chính ông.
Tôi chỉ mong làm tốt phận mình
Ông Huỳnh Văn Chính - người công dân tiêu biểu của TP Đà Nẵng |
Với ông Chính nếu chỉ nhắc ở vai trò là vị chủ nhiệm hay nay là chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp thì sẽ thật thiếu sót bởi dấu ấn của ông còn đi cùng thành phố ở vai trò là một trong những người phát kiến, mở đường cho Đà Nẵng đi lên.
Người ta vẫn còn nhớ, ngày bàn chuyện xây chiếc cầu Sông Hàn nối hai bờ thành phố. Công trình mà cho đến nay đã trở thành biểu tượng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Đà Nẵng. Có một vị đại biểu HĐND vừa phát biểu vừa lấy con dấu đóng vào tờ phiếu công ty, ủng hộ thành phố 200 triệu đồng. Để đến nay, khi không chỉ một mà nhiều chiếc cầu trên sông Hàn đã thành hình, họ mới hiểu vị đại biểu kia đã quyết tâm thế nào.
Kể nhiều là vậy, thế nhưng ông Chính vẫn luôn nhắc, "Để có được Đà Nẵng hôm nay là thành quả của nhiều thế hệ lãnh đạo đến bao đời người dân đã và đang sống trên mảnh đất này. Mỗi ngày họ đang góp phần làm cho thành phố phát triển. Thế nên tôi cũng là làm tốt phận mình khi còn có thể, để giúp cho chính tôi, cho những anh em công nhân tôi gặp hàng ngày và cho chính thành phố tôi yêu”.
Trong suốt cuộc trò chuyện, dù là ở lĩnh vực nào ông Chính cũng nói say mê, là chuyện quá khứ hay hiện tại và dù tự nhận bản thân chẳng còn nhiều thời gian đóng góp cho TP. Đà Nẵng thế nhưng trong mỗi lời nói luôn chứa đầy những trăn trở, kỳ vọng. Có lẽ chính vì vậy mà cho đến bây giờ, những người biết về ông, nhìn thấy ông với tư cách là Chủ nhiệm hợp tác xã, giám đốc hợp doanh… hay cương vị của một đại biểu thì hình ảnh về ông vẫn là một con người tận tụy không ngừng nghỉ.
Về cô gái Đà Nẵng đang thức dậy hôm nay
Ngắm nhìn và đi cùng sự phát triển của TP. Đà Nẵng đến hôm nay, ông Chính nói về “cô gái Đà Nẵng” với chất giọng lúc trầm tư, lúc đầy phấn khởi. Cô gái Đà Nẵng nay đã thức dậy thật rồi, xinh đẹp lắm. Thế nhưng mong rằng cô gái ấy sẽ mang vẻ đẹp dịu dàng chứ không kiêu kỳ, sẽ đẹp ở bên ngoài lẫn chiều sâu bên trong.
Cái tên Đà Nẵng - Thành phố đáng sống, đáng tự hào hôm nay là tổng hòa của sự nỗ lực nhiều con người, nhiều ngành nghề, nhiều lính vực khác nhau. Điều mà 18 năm trước nghĩ thật quá xa vời. Sự đổi thay mạnh mẽ trong vòng 20 năm quá của thành phố đã viết tên Đà Nẵng trên bản đồ doanh nghiệp thế giới. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta tự mãn bởi Đà Nẵng còn sẽ giàu, sẽ đẹp hơn nữa. Nhiều người muốn mảnh đất này thành thành phố đáng sống. Đó là khát vọng không phải để vọng tưởng mà để chúng ta cố gắng để biến khát vọng thành hiện thực.
“Từng người dân, từng lãnh đạo phải cùng làm. Bất cứ điều gì cũng phải cùng chung tay, tổng hợp lực rồi Đà Nẵng sẽ chạm đến khát vọng ấy trong tương lai”, ông Chính tin tưởng như vậy. Và niềm tin đó hoàn toàn có cơ sở.
Theo Lao động