.

Nhộn nhịp chợ Tết ngày cuối năm

.

ĐNĐT - Ngày 30 Tết, không khí mua bán ở các chợ trở nên khẩn trương và sôi động hơn bao giờ hết. Mọi ngả đường vào chợ đầy ắp người và hàng hóa, người mua kẻ bán bớt kỳ kèo giá cả bởi ai cũng mong được về nhà để chuẩn bị một cái Tết chu đáo, đủ đầy.

Ngắm nhìn phiên chợ, dường như những mảng màu sặc sỡ của cuộc sống đều tụ lại nơi đây.
Ngắm nhìn phiên chợ, dường như những mảng màu sặc sỡ của cuộc sống đều tụ lại nơi đây.

Phiên chợ của người bận rộn

Ngay từ 6 giờ sáng, không khí mua bán ở chợ Đống Đa bắt đầu nhộn nhịp. Dòng người chen chúc như mắc cửi. Các bà, các mẹ tất tả mua sắm chuẩn bị cho bữa cơm tất niên ngày cuối năm. Đông khách nhất vẫn là hàng hoa quả, bánh chưng, xôi chè, vàng mã và các loại rau củ.

Chị Nguyễn Thị Hồng (đường 3-2) tươi cười cho biết: “Quê vợ chồng tôi ở Quảng Ngãi nên trước Tết, từ 26 đến 29 âm lịch cả nhà tranh thủ về quê thăm gia đình, giờ mới có thời gian đi chợ mua hoa quả đặt bàn thờ và sắm sửa cúng tất niên, Giao thừa. Tất cả dồn vào một buổi chợ nên cũng mong mua sắm cho nhanh để về nhà lo việc bếp núc, cúng quẩy. Giờ chừ thì người bán nói giá bao nhiêu đưa bấy nhiêu chứ thời gian đâu đứng đó trả giá, biết là đắt nhưng Tết mà”. 

Theo quan sát của chúng tôi, dù đã 30 Tết nhưng hàng hóa ở các chợ vẫn còn đầy ắp. Chủ sạp Hiếu – Nhã đã bán trái cây ở chợ Cồn mấy chục năm nay nên khá rành tâm lý mua sắm của người Việt. Thông thường các bà, các mẹ vẫn chờ đến ngày 30 mới mua hoa quả bái trí bàn thờ với mong muốn kéo dài “thời gian tươi” trong Tết. Do đó, nhiều chủ hàng luôn dành lại một lượng hàng hóa chất lượng để phục vụ người mua trong ngày 30.

“Thật ra, ngày 30 Tết mới là ngày bội thu của người bán trái cây. Đây là thời điểm của các bà nội trợ có tiền nhưng bận kinh doanh, nay mới thu xếp thời gian đi chợ mua sắm. Do đó, trừ số ít người còn “nâng lên đặt xuống” thì đa số chỉ đưa ra yêu cầu chọn trái to, tươi, tròn, màu sắc tươi tắn và quan trọng vẫn giữ được cuống xanh, còn giá cả bao nhiêu không quan tâm lắm”.

Không khí mua bán khẩn trương ở chợ ngày 30 Tết.
Không khí mua bán khẩn trương ở chợ ngày 30 Tết.

Theo đánh giá của chị Ngô Thị Kim Nở, chủ sạp bán trái cây tại chợ Nại Hiên Đông thì hoa quả năm nay có giá đắt hơn mọi năm nhưng hàng vẫn bán chạy theo phân khúc thị trường. Ví như người có điều kiện có thể mua quả phật thủ, bưởi, táo Mĩ, mãng cầu loại lớn, trái tròn đẹp, trong khi đó, người bình dân hơn có thể mua chuối xanh, quýt, cam hay thanh long… có giá thấp hơn một chút.

Cũng theo chị Nở, nếu trong năm, khách chủ yếu mua các loại trái cây như xoài, cam, quýt, táo, mãng cầu, mận, ổi có giá từ 20.000 đồng đến 60.000 đồng/ký thì dịp Tết, họ sẵn sàng bỏ ra 150.000 đồng chỉ để mua một trái bưởi tròn trịa, còn cuống lá xanh.

Ở các sạp trái cây, giá mỗi ký tăng từ gấp đôi đến gấp rưỡi ngày thường. Đơn cử, bưởi Năm Roi có giá 80.000 đồng/ký, táo Mĩ 70.000 đồng/ký, mãng cầu loại đẹp 120.000 đồng/ký, dưa hấu 60.000 đồng/ký, thanh long 45.000 đồng/ký, nho đen Mĩ 250.000 đồng/ký…

Với mức giá này, nếu một gia đình có 3 vị trí thờ và thêm phần hoa quả cúng tất niên, giao thừa sẽ phải tiêu tốn từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho tiền mua trái cây.

Dạo quanh các ngôi chợ ngày cuối năm, có thể thấy cách bày biện hàng hóa của người miền Trung không hình thức, tất cả được trưng ra đất, hoặc “sang” hơn thì lót tấm bạt rồi trải nông sản, hoa quả tràn ra. Cùng với đó là hình ảnh những con gà bị nhốt trong lồng, những cặp vịt cột chung hay mặt hàng rau, củ, trái cây, hoa cúc, vạn thọ, hoa lay ơn chất thành đống bên cạnh dáng vẻ tất tả của mọi người.

Thời điểm vàng của người mua, kẻ bán

Sau nhiều ngày não ruột, não gan vì mưa dầm, cùng với thời tiết nắng ráo ngày 30 Tết, phiên chợ cuối năm như sáng bừng sức sống. Người bán hàng ngồi tràn ra vỉa hè hay các lối ra vào chợ. Ông Nguyễn Văn Nam, bán mặt hàng khô tại chợ Cồn cho biết sở dĩ năm nay giá cả vẫn đắt trong thời điểm này do mấy ngày trước trời liên tục có mưa nên người dân ngại đi mua sắm, hôm nay nắng đẹp, khô ráo là thời điểm lý tưởng để nhà nhà, người người đến chợ, sức mua mạnh khiến giá cả hàng hóa vẫn giữ ở mức cao.

Chiều muộn 30 Tết, dạo quanh một số chợ ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng, giá các loại rau, củ vẫn chưa giảm nhiệt. Chị Nguyễn Thị Hồng, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu vừa bước ra khỏi cổng chợ Mới, than: “Hôm nay bắp cải, rau hành, chanh, cà chua, rau cần đắt gấp đôi. Tôi mua 20.000 đồng ớt xanh chỉ được gần 10 trái. Mọi năm thì chiều cuối năm là giá “rẻ như cho” rồi, riêng năm nay mưa nhiều nên ngày 30 mọi người đổ ra chợ mua hàng khiến tiểu thương đồng loạt tăng giá”.

Tương tự, ở hàng thịt cá, không khí cũng không kém phần nhộn nhịp. Cụ thể, thịt bò loại 1 có giá từ 280.000 – 300.000 đồng/kg (tăng 20.000 – 30.000 đồng/kg so với ngày thường), thịt lợn mông có giá 105.000 đồng/kg, cá thu nguyên con có giá tầm 35.000 đồng – 45.000 đồng/lạng.

Cùng với tâm lý sẵn sàng chi tiền để mua sắm “cú chót” cho Tết thêm đủ đầy, không khí ngày cuối năm ở các chợ luôn nhộn nhịp và phảng phất hình ảnh khéo léo, biết lo toan của người nội trợ. Đi chợ trong khoảng thời gian này, chúng tôi lại nhớ “Ngày mai của những ngày mai” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhớ cách chị viết về ngày 30 Tết: “Thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…”.

Dường như, với mỗi người, trong cái ngày 30 đó, ở mỗi ngôi chợ, là hình ảnh sống động, nhộn nhịp, là những giọt mồ hôi, là nụ cười trao nhau để cùng giúp nhau có một cái Tết may mắn, tròn đầy và sung túc cho người mua, lẫn kẻ bán.

Không khí của phiên chợ giáp Tết đầy ắp màu sắc, âm thanh...
Không khí của phiên chợ giáp Tết đầy ắp màu sắc, âm thanh...

Bài và ảnh: Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.