Việc vé xổ số của Vietlott xuất hiện ở nhiều địa phương với mức giá cao theo đánh giá là hoạt động tự phát và Vietlott không có chủ trương này. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng dẫn văn bản của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Vietlott triển khai theo đúng quy định pháp luật.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+) |
Theo nội dung văn bản vừa được Bộ Tài chính gửi các địa phương, lãnh đạo bộ này cho rằng: Về cơ bản khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) đã được các cơ quan ban hành đầy đủ.
Theo đó, công ty chịu sự quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương và phải tuân thủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xổ số điện toán và các quy định của pháp luật có liên quan.
Dẫn báo cáo của Vietlott, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, trong thời gian đầu triển khai hoạt động kinh doanh vừa qua, do sản phẩm có tính “mới lạ,” nhu cầu của thị trường đối với vé xổ số điện toán rất lớn nên một số tổ chức, cá nhân đã mua vé xổ số điện toán tại các địa phương đang triển khai và đi bán lại tại các tỉnh, thành phố khác với giá bán cao hơn từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng để hưởng chênh lệch.
“Đây là hoạt động tự phát, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam không có chủ trương này, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam cũng không ký hợp đồng đại lý với bất kỳ với tổ chức, cá nhân nào ngoài các địa bàn đang được phép kinh doanh để thực hiện phân phối vé,” văn bản của Bộ Tài chính cho hay.
Đại diện bộ này cũng cho biết thêm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo công ty tăng cường quản lý, giám sát hệ thống kinh doanh và phía Vietlott đã có văn bản yêu cầu các đại lý cũng như áp dụng chế tài xử phạt thích đáng các đại lý nếu phát hiện có sai phạm.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, ngày 12/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại công văn số 93/VPCP-KTTH giao Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Công ty Xổ số điện toán Việt Nam triển khai theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng về việc hợp tác với đối tác nước ngoài để triển khai kinh doanh xổ số điện toán, lãnh đạo Bộ Tài chính giải thích, hoạt động kinh doanh xổ số điện toán là một loại hình mới. Trong khi ấy, Việt Nam chưa có đủ các yếu tố cần thiết để triển khai như công nghệ (bao gồm cả phần cứng và phần mềm), kinh nghiệm quản lý, chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người chơi.
“Do đó cần phải có sự hợp tác với đối tác nước ngoài có kinh nghiệm để tận dụng về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tổ chức kinh doanh, về nguồn vốn đầu tư và chia sẻ rủi ro,” văn bản của Bộ Tài chính nêu lên.
Việc hợp tác này theo đại diện ngành tài chính theo mô hình Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) của Luật Đầu tư, không làm thay đổi hình thức sở hữu của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam.
Trước đó, báo cáo kinh doanh của Vietlott cho thấy, tính đến ngày 31/12/2016, doanh thu bán vé (bao gồm cả thuế) của Vietlott đạt 1.597 tỷ đồng, ước bằng 2,1% doanh thu của toàn thị trường xổ số.
Trong 12 tỉnh, thành phố đã triển khai, Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường có doanh thu lớn nhất với hơn 1.000 tỷ đồng, tiếp đó là các địa phương khác như Cần Thơ (gần 135 tỷ đồng), An Giang (gần 86 tỷ đồng), Bình Dương (hơn 84 tỷ đồng),… Thị trường Hà Nội theo tính toán của Vietlott cho doanh thu khoảng hơn 44 tỷ đồng trong năm qua.
Theo Vietnam+