.

Rộn ràng cảng cá ngày đầu năm

.

ĐNĐT - Những ngày đầu năm, không khí tại âu thuyền Thọ Quang khá nhộn nhịp. Nhiều tàu nổ máy cập cảng mang đầy cá mực từ vùng biển Hoàng Sa trở về sau chuyến biển xuyên Tết. Bên cạnh đó là những tàu tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm mong gặp nhiều may mắn.

“Lộc biển” từ Hoàng Sa

Ngư dân làm thủ tục để xuất bến chuyến biển đầu năm
Ngư dân chuẩn bị hàng hóa xuất bến chuyến biển đầu năm

Trưa 1-2 (nhằm ngày mùng 5 tháng Giêng), có hơn 20 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định cập cảng âu thuyền Thọ Quang sau hơn 10 ngày đón Tết trên biển. Những chuyến tàu trở về từ vùng biển Hoàng Sa mang theo nhiều niềm vui, trên mỗi khuôn mặt của ngư dân đều nở nụ cười thắng lợi.

Ngư dân Phan Kha (quê Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) thuyền trưởng tàu BĐ 95771 cho biết, tàu xuất phát vào ngày 20 tháng Chạp, hành nghề chụp tại vùng biển phía tây quần đảo Hoàng Sa.

Để cho ngư dân có cái Tết như đất liền, gia đình ông Phan Kha chuẩn bị đầy đủ bia, rượu, mứt, bánh tét, bánh chưng, thịt heo, bò. “Đêm Giao thừa, anh em tranh thủ thắp hương cúng, đồng thời dọn bánh mứt, rượu bia để nhâm nhi mừng năm mới. Trong ba ngày Tết, thời tiết trên biển nắng ráo rất đẹp. Đã nhiều năm đón Tết trên biển để vừa mưu sinh, vừa bảo vệ chủ quyền nên ai nấy cũng hăng hái”, ngư dân Phan Kha chia sẻ.

Sau hành trình 15 ngày, tàu ông Kha mang về nhiều cá, mực. Theo ước tính, nếu chi phí xong xuôi cho chuyến biển thì mỗi lao động thu nhập 10 triệu đồng. Đây là chuyến biển khá thành công, thu nhập tăng gấp ba lần so với bình thường.

Đang loay hoay neo đậu tàu tại cầu cảng số 2 để sáng mùng 6 Tết bán cá đầu năm, thuyền trưởng Lê Trai (quê Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu BĐ 96626 hồ hởi cho biết, chuyến biển vừa rồi được coi là thành công nhất trong các dịp Tết. Mỗi lao động cũng kiếm trên 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống trong tháng giêng và hai.

Theo ông Trai, chuyến biển xuyên Tết, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để ngư dân được sum vầy đón Tết trên biển thì tàu ông luôn trang bị lá cờ Tổ quốc mới. Bởi những ngày Tết, giữa đại dương mênh mông, nhìn lá cờ tung bay là như nhìn thấy đất liền bên cạnh.

Đợt đánh bắt hải sản xuyên Tết tại vùng biển Hoàng Sa vừa qua chủ yếu là tàu cá của tỉnh Bình Định. Đa số các tàu ra khơi đều mang đầy “lộc biển” trở về đất liền.

Ngoài ngư dân Phan Kha, Lê Trai, thì tàu của ngư dân Võ Duy Trí  (số hiệu BĐ 96842), ngư dân Phan Đậm  (số hiệu BĐ 96643) cũng cho thu nhập cao, bình quân mỗi lao động đạt từ 8-15 triệu đồng. Theo các ngư dân, sau chuyến biển này, sẽ cho các lao động nghỉ ngơi để đón Tết muộn trên đất liền. Qua đợt trăng sẽ tiếp tục dong thuyền ra khơi.

Mong chuyến biển đầu năm thắng lợi

Bên cạnh những tàu ngư dân trở về đất liền sau chuyến biển xuyên Tết thì nhiều ngư dân cũng dong thuyền ra khơi đầu năm và mong một chuyến biển thắng lợi để tạo khí thế cho cả năm.

Thuyền trưởng Lê Văn Xin (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) – chủ tàu ĐNa 90026 cùng các lao động cho tàu ra khơi vào trưa ngày 1-2, đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Cuối năm 2016, do thời tiết trên biển xấu nên tàu ông Xin cũng như nhiều tàu khác của Đà Nẵng nghỉ Tết từ rất sớm. Ăn Tết xong, ông tiến hành cúng tàu, lấy đá, dầu, lương thực, thực phẩm và rời bến.

“Chuyến biển đầu năm luôn quyết định sự may, rủi của cả năm. Vì vậy, mỗi khi ra khơi đầu năm, chúng tôi đều phải chuẩn bị rất kỹ càng, nhất là thiết bị kỹ thuật, ngư lưới cụ, để tàu không bị hỏng hóc. Ra khơi, các thuyền viên rất tự tin, phấn khởi. Tôi mong chuyến biển của mình sẽ mang về nhiều lộc đầu năm để tạo khí thế, động lực cho anh em đối với những chuyến biển tiếp theo”, ông Xin nói.

Theo cán bộ Trạm Biên phòng Mân Quang, khi ngư dân xuất bến để ra khơi đầu năm, cán bộ trạm kiểm soát luôn dặn dò kỹ lưỡng việc đánh bắt an toàn trên biển; đồng thời luôn chúc cho ngư dân một chuyến đi bình an, thuận lợi. Cũng theo Trạm kiểm soát biên phòng Mân Quang, chuyến biển đầu năm Đinh Dậu này đa phần ngư dân Đà Nẵng xuất bến sớm hơn các ngư dân tỉnh bạn.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.