Dù đã được cảnh báo về tình trạng cung nhiều hơn cầu nhưng nhiều khách sạn từ 1-3 sao tiếp tục được xây dựng. Chính việc đầu tư ồ ạt, không nắm rõ thông tin cũng như thiếu tầm nhìn dài hạn và định hướng phân khúc khách hàng khiến hiệu quả kinh doanh của những khách sạn này thấp.
Cần có định hướng cụ thể cho các chủ đầu tư khách sạn khối 1-3 sao tránh tình trạng xây dựng rồi hoạt động kém hiệu quả (ảnh mang tính minh họa). |
Cung vượt cầu
Mỗi năm số lượng du khách đến Đà Nẵng ngày một tăng cao, cùng với đó là sự xuất hiện của các cơ sở lưu trú ở các phân khúc từ 1-3 sao. Hiện Đà Nẵng có hơn 500 cơ sở lưu trú từ 1-3 sao với hơn 14.000 phòng; nhiều tuyến đường gần biển của các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn liên tục xuất hiện những khách sạn mới.
Tính riêng trên địa bàn quận Sơn Trà có 172 khách sạn với 6.424 phòng và 93 nhà nghỉ, trong đó phần lớn là khách sạn 3 sao và 3 sao trở xuống. Có thể thấy, sự xuất hiện ồ ạt của các khách sạn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, nhất là vào mùa thấp điểm, công suất phòng trung bình của những khách sạn này chỉ khoảng từ 40-45%, dẫn đến tình trạng cạnh tranh về giá. Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, theo báo cáo của Sở Du lịch, công suất phòng bình quân toàn khối khách sạn 3 sao đạt 46%, nhóm 1-2 sao chỉ đạt khoảng 25-30%.
Bà Ngô Thị Thu Huyền, Giám đốc kinh doanh khách sạn Art Hours (đường Trần Hưng Đạo) cho rằng, khi quyết định đầu tư vào hệ thống lưu trú, người đầu tư phải có tư duy mở và nắm được xu hướng phát triển chung của lĩnh vực đầu tư.
Nhiều chủ đầu tư vẫn mang suy nghĩ xây phòng khách sạn chỉ để khách đến ăn và nghỉ nên đã tự đánh mất thị phần kinh doanh của mình. Một yếu tố quan trọng khác là các đơn vị kinh doanh lưu trú thường coi nhau là đối thủ, đua nhau hạ giá để thu hút khách, nên chất lượng dịch vụ cũng giảm theo, khiến khách đến ở một lần rồi không muốn trở lại.
Theo bà Lê Thị Ái Diệp, Phó phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Sở Du lịch, trong năm qua, sở đã siết chặt công tác thẩm định cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố, những cơ sở du lịch nào không bảo đảm hạng sao thì chuyển hạng.
Cụ thể, Sở Du lịch đã chủ trì việc thanh kiểm tra, nhắc nhở 50 khách sạn, xử phạt 14 đơn vị, tổng cộng 78 triệu đồng, chủ yếu là các hành vi không làm thủ tục xếp hạng cơ sở lưu trú theo quy định, không bảo đảm chất lượng cơ sở lưu trú theo hạng sao…
Cũng trong năm, có 18 khách sạn không bảo đảm tiêu chuẩn khách sạn hạng 1 sao, sở đã ban hành quyết định chuyển hạng xuống nhà nghỉ du lịch (do sở quản lý) hoặc nhà nghỉ do quận, huyện quản lý; gần 10 khách sạn 2 sao không bảo đảm tiêu chuẩn khách sạn đã bị rút hạng xuống 1 sao.
Cần sự kết nối giữa các cơ sở lưu trú
Theo ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, phân khúc khách sạn 1-3 sao của Đà Nẵng đang chiếm thị phần lớn nhưng đa số đầu tư khá vội vàng, kinh doanh tự phát, thiếu định hướng. Chủ đầu tư phải có định hướng ngay từ đầu và nhắm đến một thị trường khách nhất định trước khi xây dựng.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư đang làm ngược, xây khách sạn rồi mới tìm thị trường, dẫn đến tình trạng hoạt động không hiệu quả. Trước thực trạng đó, phân khúc này nên củng cố chất lượng, sản phẩm, dịch vụ…, nên có sự liên kết, kết nối lẫn nhau, thống nhất về giá cả dựa trên giá thực của thị trường; từ đó tạo ra sự khác biệt về chất lượng dịch vụ và sản phẩm.
Đồng quan điểm, bà Ngô Thị Thu Huyền đề xuất các chủ khách sạn phải coi nhau là những người đồng hành, cộng hưởng để cùng phát triển; phải thấy được vai trò của sự hợp tác cùng có lợi thay vì làm ăn nhỏ lẻ kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay.
Ngoài ra, các khách sạn cũng cần quan tâm thương hiệu mình đã xây dựng và củng cố thương hiệu đó... Thành phố nên quy hoạch phát triển hệ thống khách sạn, tránh tình trạng như hiện nay nhiều tuyến đường quy hoạch làm nhà ở dân sinh nhưng khách sạn mọc lên san sát, liền kề, gây áp lực về giao thông, an ninh trật tự…, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Được biết, Sở Xây dựng đang tăng cường yêu cầu về diện tích đậu, đỗ xe khi cấp giấy phép xây dựng các dự án cơ sở lưu trú theo quy chuẩn xây dựng VN 01: 2008/BXD đối với khách sạn 3 sao trở xuống quy định 8 phòng ngủ/1 chỗ đậu xe, đối với loại hình dịch vụ thì 100m2 sử dụng/1 chỗ đậu ô-tô, diện tích 1 chỗ đậu xe là 25m2.
Bên cạnh đó, để kiểm soát sự phát triển nhanh chóng của các khách sạn, đặc biệt các khách sạn 3 sao trở xuống, Sở Du lịch phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 2-2017.
Theo đó, Sở Du lịch sẽ trình HĐND và UBND thành phố thông qua, cho phép làm căn cứ pháp lý để các sở, ban, ngành liên quan cấp giấy phép xây dựng, giấy phép đầu tư, làm cơ sở để cảnh báo, khuyến nghị các tổ chức, cá nhân trước khi quyết định đầu tư kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
Bài và ảnh: THU HÀ