Kinh tế

Tìm giải pháp cho tài nguyên nước đô thị

07:42, 02/02/2017 (GMT+7)

Các hoạt động phát triển kinh tế cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế đang diễn ra. Đây là yếu tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực, trở ngại cho phát triển kinh tế-xã hội. Đà Nẵng đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để giải quyết bài toán tài nguyên nước và công tác cấp nước đô thị.

Đà Nẵng cần tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước.  Trong ảnh: Một đoạn sông Cu Đê.
Đà Nẵng cần tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước. Trong ảnh: Một đoạn sông Cu Đê.

Nguy cơ mất an toàn nguồn nước

Thành phố Đà Nẵng nằm ở hạ lưu của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, đây là một trong 9 hệ thống sông lớn của Việt Nam. Tài nguyên nước và các dạng tài nguyên liên quan của lưu vực sông này cũng như của vùng bờ phía dưới đóng vai trò quan trọng sống còn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và dân cư của thành phố Đà Nẵng cũng như tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, nguồn nước của thành phố Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội Hoa Kỳ (ISET), Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Đà Nẵng - CCCO, Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên (CVIWR), nhu cầu sử dụng nước đô thị, công nghiệp, thương mại - dịch vụ và công cộng Đà Nẵng được dự báo gia tăng ít nhất là gấp đôi và có thể gấp 3 lần trong giai đoạn năm 2050.

Trong khi đó, lưu lượng dòng chảy vào mùa khô có xu hướng giảm, làm gia tăng nhiễm mặn tại điểm lấy nước Cầu Đỏ, dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất nước sạch. Đồng thời, an toàn của các hồ chứa cũng là vấn đề cần đặt ra khi hệ thống thủy lợi ở phạm vi thành phố chưa được chú trọng bảo trì và quản lý thường xuyên.

Ông Trần Văn Giải Phóng, Trưởng nhóm kỹ thuật ISET cho rằng, ngoài những thách thức trên, nguồn nước cấp dân sinh cho thành phố Đà Nẵng hiện chủ yếu dựa vào Nhà máy nước Cầu Đỏ, nếu nhà máy bị sự cố thì rủi ro sẽ rất lớn.

Mặt khác, các tác động của BĐKH biểu hiện qua sự suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển là biểu hiện rõ nhất dẫn đến nguy cơ mất an toàn nguồn nước. Do đó, vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn các công trình cấp nước phải được xem xét cẩn trọng và được thể hiện trong các quy hoạch chiến lược tổng thể của thành phố.

Cần có giải pháp phù hợp

Trước thách thức về an ninh nguồn nước đối với thành phố Đà Nẵng, từ năm 2013, thành phố đã tiếp nhận và triển khai Tiểu dự án “Đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu BĐKH đối với nguồn tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng”. Dự án này đã nhận được sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Quỹ Rockefeller thông qua ISET.

Khi bắt đầu dự án, thành phố mong đợi về giải bài toán cân bằng giữa nguồn cung cấp và nhu cầu sử dụng nước của đô thị Đà Nẵng qua các giai đoạn 2020, 2030 và đến 2050; xây dựng được các kịch bản giữa phát triển - nhu cầu dùng nước và tác động của BĐKH. Từ đó, đề ra các giải pháp định hướng dài hạn nhằm thích ứng với tác động của BĐKH đối với nguồn tài nguyên nước và công tác cấp nước đô thị của thành phố qua các giai đoạn.

Sau 3 năm triển khai, dự án đã thu thập, tổng hợp bộ cơ sở dữ liệu liên quan đến hiện trạng nguồn tài nguyên nước thành phố lưu vực sông Vu Gia, sông Hàn và sông Cu Đê; xây dựng mô hình WEAP của Đà Nẵng.

Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng thực hiện nghiên cứu, phân tích lựa chọn vị trí lấy nước trên sông Cu Đê phục vụ xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên; huy động sự tham gia các bên liên quan của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cùng đối thoại, chia sẻ về công tác quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; triển khai các hoạt động truyền thông về nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn tài nguyên nước, tiết kiệm nước trong cộng đồng, xã hội...

Ông Đinh Quang Cường, Chánh Văn phòng BĐKH thành phố cho biết, dự án đã nghiên cứu, đánh giá và lập kế hoạch dùng nước trong bài toán tổng hợp về quy hoạch và quản lý nguồn tài nguyên nước. Các kết quả của dự án sẽ là cơ sở để đưa ra những định hướng và giải pháp trong quy hoạch, quản lý nguồn tài nguyên nước thích ứng bối cảnh BĐKH và phát triển đô thị thành phố.

Tuy nhiên, để quản lý tốt nguồn tài nguyên nước, phía ISET và CVIWR cũng cho rằng, trước mắt, thành phố và các bên liên quan cần tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước. Chú trọng không chỉ việc quy hoạch các nguồn cung cấp nước lâu dài mà cần triển khai thêm các chương trình quản lý nhu cầu sử dụng nước trong cộng đồng. Song song đó, cần có sự hợp tác liên vùng và quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn hiệu quả.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

.