Năm 2016, UBND thành phố Đà Nẵng có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường nhằm thực hiện đề án xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Theo đó, nhiều giải pháp được đưa ra trong việc xử lý ô nhiễm tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang - một trong những “điểm nóng” môi trường trên địa bàn thành phố.
Ngoài sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các nhà máy đóng tàu cũng cần vào cuộc mạnh hơn để không còn rác và nước thải ra môi trường. |
Trước tiên là việc đầu tư, xây dựng hạ tầng tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Trong đó, Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố làm chủ đầu tư, xây dựng và bàn giao 6/8 cửa xả xung quanh âu thuyền cho Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố quản lý. Đầu tư, xây dựng hệ thống cống bao xung quanh cảng cá để thu gom nước thải đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Ông Trần Nguyễn Công Long, Phó phòng Kỹ thuật, Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố cho biết, sau khi bàn giao để thu gom nước thải, không còn hiện tượng nước thải xả trực tiếp ra âu thuyền như trước. Việc thu gom nước thải cũng đã thực hiện khá tốt.
Theo ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, đơn vị được thành phố cấp kinh phí để xây dựng các nhà vệ sinh tại cảng cá, đầu tư thuyền để vớt rác dưới âu thuyền, xây dựng hệ thống sân cảng.
Ban quản lý duy trì công tác tuyên truyền trên hệ thống loa ngày 2 lần (mỗi lần 2 giờ) các bản tin về môi trường; lắp đặt thêm 6 bảng tuyên truyền có trụ bằng bê-tông cốt thép tại 3 cầu cảng và 11 pa-nô; mua thùng chứa thủy sản rơi vãi đặt tại 3 cầu cảng và cử nhân viên kiểm tra để kịp thời xử lý hải sản trong thùng hằng ngày.
Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Cảnh sát Môi trường tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường cho 377 chủ xe và 651 chủ tàu thuyền, 297 thương nhân hoạt động tại âu thuyền và cảng cá.
Một trong những giải pháp quan trọng là việc đầu tư xây dựng và đưa nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà vào vận hành. Theo ông Trần Nguyễn Công Long, nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà có tổng công suất 25.500m3 ngày/đêm, trong đó xử lý 20.500m3 nước thải sinh hoạt, 5.000m3 nước thải cho thủy sản.
Nhà máy được thiết kế, thi công vào đầu năm 2015; đến tháng 11-2016 đã đưa vào vận hành thử. Hiện tại, đã vận hành xử lý 16.000m3 ngày/đêm, trong đó xử lý hơn 2.000m3 nước thải thủy sản. “Quá trình vận hành xử lý nước thải đạt chất lượng loại A.
Trong tháng 4-2017 tới, sẽ đưa vào vận hành hết tổng công suất, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề nước thải thủy sản tại khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang”, ông Long chia sẻ.
Tuy nhiên, do chưa đưa vào sử dụng hết công suất nên nước thải vẫn còn xử lý tại nhà máy xử lý nước thải Thọ Quang. Thời gian đến, sẽ tiến hành đầu tư ống thu gom nước thải tại đường Phạm Văn Xảo để thu gom triệt để nước thải tại các nhà máy xử lý nước thải đổ về xử lý tại nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà.
Dẫu vậy, theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, việc thu gom, xử lý nước thải tại các tàu cá để xử lý cũng là vấn đề nan giải. Bởi lẽ, hầu hết các tàu vào bán cá chủ yếu lúc ban đêm và rạng sáng, thời gian diễn ra nhanh.
Với nhiều giải pháp mà các sở, ngành đang triển khai thực hiện, “điểm nóng” môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang có thể sẽ được giải quyết triệt để trong năm 2017, qua đó tạo động lực tiếp tục giải quyết các “điểm nóng” khác, để Đà Nẵng sớm về đích đề án xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ