Kinh tế
Mạnh tay với xe dù, bến cóc
Nạn “xe dù”, “bến cóc” vẫn diễn ra hằng ngày trên địa bàn Đà Nẵng mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, xử phạt.
Lực lượng chức năng xử lý “xe dù” vi phạm. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Mới đây, Tổ liên ngành Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải - GTVT) cùng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Đà Nẵng liên tiếp phát hiện và xử phạt 2 nhà xe hợp đồng (du lịch Hạnh Café và The Sinh Tourist) chạy “trá hình”, ngang nhiên đón khách lẻ.
Cụ thể, khoảng 9 giờ 30 ngày 14-3, Tổ kiểm tra liên ngành có mặt trên đường Bạch Đằng (quận Hải Châu) tổ chức đón lõng ô-tô khách giường nằm BKS 51B-143.18 dán chữ The Sinh Tourist, do tài xế Nguyễn Đặng Luân (SN 1988, trú Thủy Dương, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) điều khiển. Lúc này, xe đang đón khách lẻ tại 154 Bạch Đằng, trên xe chở 33 khách nước ngoài.
Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế Luân thừa nhận hành vi vận chuyển khách du lịch nước ngoài không gắn biển hiệu vận chuyển khách du lịch theo quy định. Được biết, đây là xe do tư nhân đứng tên, hoạt động vận chuyển khách theo kiểu xe dù, xe không có phù hiệu hợp đồng vận chuyển khách du lịch nên lập biên bản xử phạt hành chính đối với lái xe (mức phạt 4 triệu đồng) và doanh nghiệp (mức phạt 5 triệu đồng).
Trước đó 30 phút, Tổ kiểm tra liên ngành cũng đã xử phạt hành vi tương tự đối với xe Hạnh Café BKS 51B-212.68. Như vậy, chỉ trong vòng 30 phút, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 2 trường hợp vi phạm “xe dù”. Điều này cho thấy tình trạng “xe dù”, “bến cóc” vẫn diễn biến phức tạp và gây bức xúc trong dư luận.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện có rất nhiều nhà xe chạy xe dù tuyến Đà Nẵng - Huế, Đà Nẵng- Tam Kỳ như: HAV Travel Limited Company, Trekking Travel, Hạnh Café, Đất Quảng Express… Chỉ cần điện thoại đến nhà xe thì ngay lập tức có xe đến đón, đúng với quảng cáo của nhà xe: “Bạn ở đâu tôi đến đó”, “Đưa rước khách tại nhà”.
Chị Nguyễn Thị Nga, chủ 3 đầu xe thuộc Hợp tác xã (HTX) Hải Vân và HTX Du lịch bức xúc: “Chúng tôi gần như bất lực với tình trạng xe dù, bởi hiện nay lượng khách đi Huế giảm rất nhiều do các xe dù đón hết khách. Không riêng gì tôi, rất nhiều nhà xe chạy tuyến cố định có đăng ký có nguy cơ phá sản do không có khách… Nhà xe tuyến cố định bức xúc là đương nhiên, bởi họ phải đóng đủ thứ thuế, phí bến bãi khi đón khách, trong khi xe dù tìm đủ cách lách luật, không mất phí bến bãi”.
Lực lượng chức năng xử lý “xe dù” vi phạm. |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo Thanh tra Giao thông, Sở GTVT cho biết: “Sở GTVT đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, kiểm soát tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động trên địa bàn thành phố. Các lực lượng gồm Thanh tra Sở GTVT, Phòng CSGT và Phòng Cảnh sát trật tự - Công an thành phố đã phối hợp tổ chức kiểm tra hoạt động xe khách trá hình vận tải khách, nhất là khu vực trung tâm thành phố, trước Bến xe Trung tâm...
Qua đó, các lực lượng đã phát hiện, lập biên bản 79 trường hợp xe dù, bến cóc, ra quyết định xử phạt 67 trường hợp, phạt tiền 81,650 triệu đồng, trong đó có 9 trường hợp sử dụng ô-tô dưới 9 chỗ ngồi chở khách không có hợp đồng vận chuyển theo quy định. Hiện nay, chúng tôi đẩy mạnh công tác kiểm tra, chấn chỉnh nạn xe khách trá hình, xe dù, bến cóc, xử lý kiên quyết các hình thức vận tải chui, coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông...”.
Theo ông Lê Viết Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định Đà Nẵng - Huế với trên 80 đầu xe có nguy cơ phá sản vì hàng chục xe dù núp bóng hợp đồng, chở khách du lịch hoạt động với tần suất ngày một nhiều. Với việc đưa số điện thoại, quảng cáo dịch vụ lên mạng theo cách “gọi đâu đón đó”, các nhà xe chạy ngoài bến đã hút lượng lớn khách của những doanh nghiệp đóng thuế, hoạt động đúng quy định của pháp luật, khiến các nhà xe bức xúc.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN