Kinh tế
Những "phiên chợ di động" ở vùng biển Hoàng Sa
3 chiếc tàu hậu cần nghề cá luân phiên chở nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, thuốc men từ đất liền ra Hoàng Sa cung cấp cho ngư dân, trở về đất liền là những khoang cá đầy ắp. Nhờ đó, ngư dân có thời gian đánh bắt, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá công suất 850CV được gia đình ông Trần Toàn hạ thủy vào đầu năm 2017. |
Gia đình ngư dân Trần Toàn (SN 1959, trú 31 Hoàng Tích Trí, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) quê xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dù gần 20 năm xa quê nhưng “đặc sản” Huế vẫn in hằn ở giọng nói của ông. Ông kể, gia đình ông 4 đời làm ngư dân và chỉ làm một việc là thu mua hải sản (gọi là dịch vụ hậu cần).
Với con tàu có công suất chỉ 50CV, gia đình ông Trần Toàn đã đi khắp ngư trường miền Trung để thu mua hải sản. “Hơn 20 năm trước, việc đánh bắt của ngư dân còn rất sơ sài, hải sản về bờ phần lớn hư hỏng. Ngành dịch vụ hậu cần cũng còn lạc hậu. Tuy vậy, nhờ nghề hậu cần, ngư dân bán được cá ngay trên biển, cho thu nhập khá”, ông Toàn nhớ lại. Năm 1997, ông quyết tâm rời Huế vào Đà Nẵng, bởi theo tâm sự của ông, Đà Nẵng có ngư trường lớn, đặc biệt là Hoàng Sa. Hơn nữa, Đà Nẵng có cảng cá lớn, nhiều chợ, dễ phát triển nghề cá.
Tiếp tục với con tàu 50CV, ở Đà Nẵng, những chuyến ra khơi của ông Toàn chỉ ngắn ngày nhưng cá luôn đầy ắp. Song, không thể làm ăn manh mún, đặc biệt là khi các chính sách phát triển thủy sản Đà Nẵng được thành phố quan tâm, gia đình ông Toàn bắt đầu đóng tàu lớn hơn với công suất 420CV vào năm 2012. Người đứng tên là cậu con trai Trần Ny. Đến năm 2014, ông đóng thêm con tàu lớn có công suất gấp đôi 820CV và đầu năm 2017, gia đình ông hạ thủy con tàu thứ 3 có công suất 850CV do con trai út Trần Thìn đứng tên.
Có 3 tàu hậu cần lớn trong tay, 3 cha con ông Trần Toàn lấy vùng biển Hoàng Sa làm ngư trường chính để thu mua hải sản của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Ông nhẩm tính: “Mỗi tàu ra khơi vận chuyển khoảng 15 tấn nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, đá, cộng với thuốc men. Khi trở về, mỗi tàu thu mua hải sản của ngư dân từ 20-30 tấn. Hằng tháng, mỗi tàu đi từ 4-6 chuyến và thường xuyên thay nhau hiện diện ở ngư trường Hoàng Sa. Nhờ đó, nhiều ngư dân đã “nối dài” được các chuyến biển, đỡ tốn kém và đặc biệt góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Không chỉ cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, các tàu của ông Toàn còn cung cấp thuốc men cho ngư dân khi họ ốm đau nhẹ trên biển. “Mình đi trên biển, dù cách vài chục hải lý mà có một tàu là khách hàng của mình có người bị ốm đau, mình cũng có thể chạy đến để cung cấp thuốc cho họ. Nhờ sự nhiệt tình như vậy nên ngư dân tin tưởng”, anh Trần Ny chia sẻ.
17 năm làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Đà Nẵng, gia đình ông Toàn đã tạo dựng được “thương hiệu” trong lòng ngư dân. Ông Toàn cho biết sẽ đóng thêm tàu hậu cần có công suất lớn. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ hình thành một tổ hợp khép kín phục vụ ngư dân. Đặc biệt, sẽ có một đội tàu với nhiều tàu hậu cần hiện đại để ngư dân Đà Nẵng và miền Trung “nối dài” hơn những chuyến biển, mang lại lợi nhuận cao và góp phần bảo vệ chủ quyền”. Tuy nhiên, một điều mà ông Toàn trăn trở hiện nay là cảng cá còn khá chật hẹp, mỗi khi tàu về có sự tranh giành giữa tàu giã cào và các tàu dịch vụ khác, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản. Do vậy, nên chăng sắp xếp cho ngư dân Đà Nẵng có một cầu cảng riêng để phục vụ việc mua bán hải sản…
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước (quận Hải Châu) cho biết, gia đình ngư dân Trần Toàn là một trong những gia đình ngư dân tiêu biểu của địa phương. Với việc đầu tư, đóng mới các tàu dịch vụ hậu cần để thu mua hải sản tại ngư trường Hoàng Sa, gia đình ông Toàn đã giúp ngư dân miền Trung thuận lợi trong việc đánh bắt hải sản trên biển. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển nghề thủy sản của gia đình ông Toàn đã góp phần đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy sản địa phương.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ