Kinh tế
Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà: Phát triển đi đôi với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên
Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia (DLQG) Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ hội lớn của ngành du lịch nhưng cũng là thách thức không nhỏ.
Với nhiều động thực vật quý hiếm, phát triển Sơn Trà cần phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng. |
Về vấn đề này, ông Trần Chí Cường (ảnh), Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết:
- Bán đảo Sơn Trà được xem là “báu vật”, viên ngọc quý mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố Đà Nẵng. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch, đến năm 2030, bán đảo Sơn Trà được định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Để được chọn quy hoạch và biến từ quy hoạch trở thành hiện thực là cả quá trình nỗ lực rất lớn. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2163/QĐ-TTg đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch thành phố Đà Nẵng trong việc đầu tư và tạo thêm các sản phẩm du lịch để thu hút khách.
Trước hết, việc quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu DLQG là khung pháp lý hết sức quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư và khai thác du lịch tại bán đảo Sơn Trà xứng đáng với tiềm năng vốn có, mở ra các cơ hội để bán đảo Sơn Trà có các sản phẩm độc đáo thu hút khách. Công tác đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các dịch vụ sẽ được thực hiện nhằm xứng tầm là khu DLQG.
Công tác quản lý và khai thác tại khu vực này sẽ được tổ chức bài bản, thống nhất và hiệu quả hơn, tránh tình trạng nhiều đơn vị quản lý nhưng lại chồng chéo và không rõ trách nhiệm. Sau khi được công nhận là khu DLQG, hình ảnh điểm đến Sơn Trà nói riêng và Đà Nẵng nói chung sẽ được nâng lên ở tầm cao hơn và quảng bá rộng rãi hơn nữa.
Mục tiêu đến năm 2025, khu DLQG Sơn Trà sẽ đón 3,5 triệu lượt khách du lịch và đạt doanh thu 1.900 tỷ đồng; đến năm 2030 đón 4,6 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 4.300 tỷ đồng. Ước tính khu DLQG Sơn Trà hình thành sẽ góp phần tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động trực tiếp. Thành phố sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm theo định hướng tại quy hoạch và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
* Tuy nhiên, trở thành khu DLQG cũng sẽ gặp không ít thách thức, nhất là đối với bán đảo vốn có nhiều đặc thù như Sơn Trà?
- Đúng vậy, trong việc triển khai theo đúng yêu cầu của quy hoạch đặt ra; đó là công tác đầu tư phát triển du lịch phải bảo đảm theo hướng phát triển du lịch bền vững, gắn liền với công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo vệ các loài động vật, nhất là cá thể voọc chà vá chân nâu nằm trong danh mục ở mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và là loài được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.
Bên cạnh đó, với vị trí địa chính trị đặc biệt của bán đảo Sơn Trà, việc phát triển du lịch ở đây cũng phải bảo đảm yếu tố về quốc phòng - an ninh, phải kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh.
Đây là những thách thức đặt ra, đòi hỏi sự thống nhất cao, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, sự chỉ đạo cụ thể và tạo điều kiện của các cơ quan Trung ương. Song song đó là công tác tuyên truyền để người dân, du khách và nhà đầu tư đồng lòng với thành phố trong việc xây dựng và bảo vệ hình ảnh, bảo vệ và khai thác hiệu quả bán đảo Sơn Trà theo đúng mục tiêu, định hướng quy hoạch.
Bán đảo Sơn Trà nhìn từ trên cao. Ảnh: LÊ HẢI SƠN |
* Trước kia, bán đảo Sơn Trà đã xây dựng một số tour, tuyến nhưng việc khai thác chưa hiệu quả. Nay ngành du lịch thành phố có kế hoạch, giải pháp gì trong việc xây dựng sản phẩm du lịch cũng như công tác xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu cho khu du lịch mới này?
- Sau khi bán đảo Sơn Trà được chính thức đưa vào khai thác phục vụ du lịch (năm 2004), cùng với việc đầu tư một số điểm đến như Đồi Vọng Cảnh, đỉnh Bàn Cờ Tiên…, bán đảo Sơn Trà đã được UBND thành phố phê duyệt 5 tuyến du lịch tham quan tại khu vực này.
Trong thời gian qua, lượng khách tham quan đến bán đảo Sơn Trà tăng trưởng với các tour vòng quanh bán đảo, các tour du lịch về tâm linh. Tuy nhiên, việc đầu tư tour, tuyến chỉ dừng lại ở mức sơ khai và đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của du khách. Vì vậy, theo đánh giá khách quan, việc khai thác các tour, tuyến này chưa hiệu quả so với tiềm năng và lợi thế của bán đảo Sơn Trà.
Để được công nhận là khu DLQG, có rất nhiều việc cần làm như: xây dựng quy hoạch chi tiết, tổ chức bộ máy nhân lực, tổ chức đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm dịch vụ… để bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn của một khu DLQG theo quy định của Luật Du lịch. Triển khai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đang xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trên cơ sở nội dung và giải pháp mà quy hoạch đã đề ra; trong đó có các giải pháp về phát triển thị trường và sản phẩm du lịch, giải pháp về xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu khu du lịch…
Đối với việc xây dựng sản phẩm du lịch, ngành du lịch sẽ tập trung xúc tiến kêu gọi và tổ chức đầu tư các dự án ưu tiên theo danh mục các dự án đã được ban hành kèm theo Quyết định 2163/QĐ-TTg, tiếp tục thu hút nhà đầu tư để triển khai các dự án tạo ra các sản phẩm đặc thù của bán đảo Sơn Trà; trong đó các sản phẩm hướng đến sẽ là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch thể thao và thể thao mạo hiểm.
Các sản phẩm du lịch bổ trợ gồm: du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử - cách mạng, tham quan thắng cảnh và các sản phẩm liên kết với khu vực lân cận như Ngũ Hành Sơn, Nam Hải Vân, Bà Nà... Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ nghiên cứu, tham mưu, vận dụng, đưa Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vào xây dựng cơ chế chính sách cho triển khai quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Trong thời gian đến, ngành du lịch sẽ tăng cường công tác quảng bá xúc tiến các sản phẩm du lịch tại bán đảo Sơn Trà gắn liền với hình ảnh voọc chà vá chân nâu. Bên cạnh đó, việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho khu du lịch Sơn Trà hết sức thuận lợi, có thể chọn hình ảnh voọc chà vá chân nâu để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho khu DLQG Sơn Trà. Điều này sẽ có sức lan tỏa rất lớn vì hình ảnh voọc chà vá chân nâu đã được thành phố Đà Nẵng chọn làm hình ảnh nhận diện của Đà Nẵng tại APEC 2017.
Cùng với kênh quảng bá chung của ngành du lịch thành phố, khu DLQG Sơn Trà sẽ có bộ máy quản lý được thành lập theo quy định, trong đó có cơ cấu bộ phận tổ chức hoạt động xúc tiến có năng lực và chuyên môn để xây dựng kế hoạch quảng bá xúc tiến xác thực và hiệu quả hơn.
* Theo ông, ngành du lịch cần làm gì để vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn tài nguyên và môi trường ở bán đảo Sơn Trà?
- Hiện nay, tại bán đảo Sơn Trà, bên cạnh một số dự án đã triển khai đầu tư tạo nên những sản phẩm, dịch vụ có tiếng vang và thương hiệu quốc tế như khu nghỉ dưỡng InterContinental Sun Penninsula, vẫn còn một số dự án đang triển khai hoặc chưa triển khai.
Trong quá trình khảo sát lập quy hoạch, các chuyên gia và các ngành liên quan đã xem xét, đánh giá trong tổng thể chung để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà duyệt tại Quyết định số 2163/QĐ-TTg. Trong quan điểm phát triển và các giải pháp được đưa ra trong quy hoạch cũng đã chỉ ra yêu cầu bảo đảm việc bảo tồn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như bảo vệ quốc phòng - an ninh, xem đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững khu DLQG Sơn Trà. Việc triển khai các dự án hiện có hoặc dự án mới tại khu vực quy hoạch phải thực hiện nghiêm túc quan điểm và yêu cầu mà quy hoạch đã đặt ra.
Công tác chọn lựa nhà đầu tư, dự án đầu tư cũng như kiểm tra, giám sát trong quá trình đầu tư phải hết sức cẩn trọng, nghiêm túc và chặt chẽ. Việc bảo vệ môi trường đối với bán đảo Sơn Trà không chỉ trong quá trình đầu tư mà suốt quá trình khai thác và hoạt động du lịch tại đây.
Trách nhiệm này không chỉ của các cơ quan chức năng, ngành du lịch, nhà đầu tư mà còn là của mỗi người dân, du khách để bán đảo Sơn Trà mãi là “lá phổi xanh - hòn ngọc xanh”. Vì vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ Sơn Trà hết sức quan trọng, làm sao để mỗi người dân, mỗi du khách đến với Sơn Trà đều thấy được trách nhiệm của mình trong công tác giám sát, bảo vệ môi trường nơi đây.
* Xin cảm ơn ông!
Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng: Quan trọng là tư duy, nhận thức Bán đảo Sơn Trà được phê duyệt là khu DLQG Sơn Trà ở thời điểm này là phù hợp, bởi lãnh đạo các cấp đã nhận thức được các giá trị hữu hình và vô hình của Sơn Trà. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư, khách du lịch cũng đã nhận thức được giá trị của Sơn Trà. Ngay bản thân Sơn Trà có giá trị nội năng hàm chứa một khu sinh thái rất đa dạng sinh học cả về động vật lẫn thực vật, đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu, nếu không khai thác được hết các giá trị của Sơn Trà thì thật tiếc. Nhưng khi khai thác thì phải nghiên cứu, tìm các loại hình du lịch phù hợp. Do đó, tư duy của người làm rất quan trọng, phải cân đối giữa phát triển và bảo tồn; có sự đồng bộ trong quản lý; giáo dục một cách triệt để về giá trị của Sơn Trà và phải quản lý, kiểm soát tốt mật độ công trình sẽ được xây dựng tại đây, phải làm sao để bảo vệ tốt nhất cảnh quan thiên nhiên. Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng: Thận trọng khi khai thác và phát triển Bán đảo Sơn Trà là báu vật mà thiên nhiên ưu ái dành tặng cho chúng ta. Vì vậy, cần hết sức thận trọng trong việc khai thác và phát triển. Có thể tăng cường các tiện ích, khu điểm vui chơi, giải trí, phát triển du lịch… nhưng phải phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, không làm theo kiểu tận diệt. Các dự án khi được đưa lên Sơn Trà, các cấp, sở, ban, ngành cần giám sát chặt chẽ, làm đúng quy trình, đúng quy định; nên đánh giá tác động môi trường một cách độc lập, minh bạch và công khai; nếu có thể nên mời các chuyên gia quốc tế am hiểu về vấn đề này để có hiệu quả tốt nhất. Vì Sơn Trà là khu đa dạng sinh học không chỉ trên rừng mà cả những rạn san hô dưới biển nên cần hết sức thận trọng trong việc phát triển. PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu - giảng dạy “Môi trường và tài nguyên sinh vật” thuộc Đại học Đà Nẵng: Khai thác, phát triển một cách văn minh Sơn Trà là tấm bình phong bảo vệ vững chắc thành phố Đà Nẵng từ quốc phòng - an ninh quốc gia đến an ninh sinh thái. Bán đảo Sơn Trà là một hệ sinh thái đa dạng, một kho báu quý giá mà ông cha ta đã gìn giữ cho con cháu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, việc bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên vùng ven biển là hết sức cần thiết. Nếu hệ sinh thái Sơn Trà bị xâm hại, tác động sẽ rất khó phục hồi, du lịch Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, khi quy hoạch và phát triển, cần khai thác và phát triển Sơn Trà một cách văn minh ở các giá trị giáo dục, văn hóa, khoa học nhằm tăng giá trị bền vững trong tương lai. Trong tự nhiên, hệ sinh thái càng đa dạng thì càng bền vững. Đó là nhờ cơ chế tự điều chỉnh, tự cân bằng của tự nhiên. Nguyên lý này cũng phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Do vậy, để phát triển bền vững, cần sự quan tâm nhất quán trong lãnh đạo, điều hành để bảo đảm cân bằng 3 mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường; đồng thời cần tập trung trí tuệ, tâm huyết của các bên liên quan để bảo đảm đa dạng góc nhìn, nhằm giúp lãnh đạo có những quyết sách đúng đắn với tầm nhìn dài hạn, cũng như bảo đảm minh bạch hệ thống. NHẬT HẠ ghi |
THU HÀ thực hiện