Kinh tế

Vận động ngư dân vươn khơi bám biển

15:23, 21/03/2017 (GMT+7)

Giảm tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng tàu công suất lớn để đánh bắt ở các vùng biển xa, kết hợp bảo vệ chủ quyền, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là định hướng của quận Sơn Trà trong năm 2017 cũng như những năm tiếp theo.

Quận Sơn Trà chú trọng đóng tàu lớn vươn khơi xa.
Quận Sơn Trà chú trọng đóng tàu lớn vươn khơi xa.

Tàu công suất lớn tăng mạnh

Năm 2016, tuy gặp khó khăn nhưng ngành thủy sản Sơn Trà tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, đội tàu đánh bắt xa bờ liên tục tăng, ngư dân tích cực hưởng ứng, mạnh dạn đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Nhà nước và thành phố.

Năm 2016, số lượng tàu đánh bắt có công suất trên 90CV đã tăng 75 chiếc (từ 264 chiếc lên 339 chiếc, tăng gần 50.000CV). “Đây là sự chuyển dịch tích cực có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển thủy sản bền vững theo hướng vươn khơi kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Số lượng tàu có công suất lớn khai thác vùng khơi phát triển tập trung chủ yếu ở các phường có truyền thống nghề cá như Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, Thọ Quang, góp phần tăng sản lượng khai thác hải sản chung của toàn quận cũng như thành phố”, bà Trần Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Theo số liệu từ Phòng Kinh tế quận, năm 2016, giá trị khai thác hải sản đạt hơn 909,26 tỷ đồng, bằng 97% so với kế hoạch quận và 108,62% so với kế hoạch của thành phố. Trong đó, nhiều ngư dân “ăn nên làm ra” như ngư dân Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông), Trần Văn Mười (phường Mân Thái), ông Nguyễn Văn Minh (phường Nại Hiên Đông)… Phường Nại Hiên Đông có 170 tàu khai thác xa bờ. Năm qua, dù ảnh hưởng sự cố môi trường nhưng được sự động viên kịp thời của chính quyền các cấp, ngư dân vẫn ra khơi bám biển thường xuyên. Nhờ đó, sản lượng khai thác đạt cao, nhiều ngư dân làm giàu từ biển. Bên cạnh đóng mới tàu khai thác xa bờ, quận Sơn Trà cũng chú trọng giảm tàu nhỏ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Năm 2016, toàn quận có 20 phương tiện tàu công suất nhỏ hơn 20CV được xả bảng, chuyển đổi nghề, trong đó có 5 thúng máy theo đề án của thành phố.

Khai thác xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền

Năm 2017, dự báo diễn biến thời tiết cũng như tình hình Biển Đông sẽ phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Tuy nhiên, UBND quận Sơn Trà đã đưa ra chỉ tiêu khai thác hơn 24.000 tấn, đạt 945,532 tỷ đồng. Để đạt được kế hoạch phát triển thủy sản, quận Sơn Trà đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng vận động ngư dân vươn khơi bám biển, kết hợp bảo vệ chủ quyền.

Những tháng đầu năm 2017, ngư dân quận Sơn Trà tất bật vào ra vùng biển Hoàng Sa. Những chuyến ra khơi thường kéo dài từ 10-15 ngày; khi trở về, các tàu đầy ắp cá ngừ, cá thu, mực. Ngư dân Lê Văn Xin (phường An Hải Bắc), thuyền trưởng tàu ĐNa 90026 cho biết, ông chỉ nghỉ Tết 3 ngày thì cho tàu ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt. Tuy chuyến đi ngắn ngày nhưng cũng khai thác được nhiều hải sản. Từ nay đến cuối năm, ông sẽ thường xuyên ra khơi cùng với “bạn” tại ngư trường Hoàng Sa. Với ông, ngoài làm ăn kinh tế, ông cùng với các “bạn” tàu sẽ là những “con mắt thần” để canh giữ biển khơi.

Ngoài việc vận động ngư dân ra khơi, năm 2017, quận Sơn Trà phấn đấu có nhiều tàu đóng mới với công suất lớn. Ông Trần Văn Thành, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận cho hay, từ đầu năm đến nay, 10 trường hợp ngư dân xin đăng ký đóng mới theo chính sách của thành phố, trong đó có 5 hồ sơ nộp đến quận, chủ yếu ngư dân phường Nại Hiên Đông. Ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái) cũng đã nộp hồ sơ xin đóng mới tàu theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ. Ngư dân Trần Văn Mười cho biết, đánh bắt hải sản là nghề truyền thống của gia đình anh. Đầu năm 2016, gia đình đã hạ thủy con tàu vỏ thép làm nghề chụp mực đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Gia đình anh đang nộp hồ sơ chờ thành phố phê duyệt đóng mới thêm một tàu có công suất lớn theo chính sách của Nghị định 67 để khai thác hải sản tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Thời gian đến, khai thác hải sản vẫn quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, quận Sơn Trà sẽ thực hiện tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng hiệu quả, gắn kết khai thác với chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần trên vùng biển xa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền, cơ cấu nghề theo hướng vươn khơi; khuyến khích và hỗ trợ phát triển tàu có công suất lớn, trang bị hiện đại để tăng khả năng khai thác; phát triển dịch vụ hậu cần thủy sản, cung cấp các dịch vụ trên biển, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phấn đấu đến năm 2020, số tàu khai thác xa bờ của quận đạt trên 400 chiếc, giảm tàu thuyền có công suất nhỏ, không để phát triển tàu dưới 90CV nhằm hạn chế đánh bắt ven bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.