Kinh tế

Xã hội hóa dịch vụ công: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân

08:02, 01/03/2017 (GMT+7)

Việc xã hội hóa dịch vụ công không chỉ là xu thế phát triển tất yếu mà còn góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Đây là một trong những giải pháp hướng đến xây dựng một nền tài chính ngân sách hiện đại, năng động và tự chủ.

Xã hội hóa dịch vụ công góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ về y tế, giáo dục, văn hóa và giảm bớt gánh nặng ngân sách cho Nhà nước. Ảnh: PHAN CHUNG
Xã hội hóa dịch vụ công góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ về y tế, giáo dục, văn hóa và giảm bớt gánh nặng ngân sách cho Nhà nước. Ảnh: PHAN CHUNG

Tại hội nghị triển khai công tác tài

chính - ngân sách thành phố năm 2017 ngày 17-2 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, trong thời gian tới, sẽ từng bước đổi mới điều hành sử dụng tài chính công, tiến tới xóa hết bao cấp, nhất là đối với các dịch vụ công. Hiện nay, thành phố đẩy mạnh định giá lại mức điều tiết cho các dịch vụ công với xu hướng giảm chi phí không cần thiết; tiến tới xã hội hóa, cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ công, tổ chức đấu thầu mua sắm tài sản công…

Xung quanh vấn đề xã hội hóa dịch vụ công, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo sở, ban, ngành thành phố cũng như các đơn vị tư nhân, người dân tham gia cung ứng và sử dụng dịch vụ này.

* Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Định giá lại dịch vụ công, giảm áp lực cho ngân sách

Những năm qua, thu ngân sách của thành phố đạt kết quả tốt nhưng còn phải bù đắp nhiều cho dịch vụ công. Cần xây dựng các tiêu chí đánh giá và định mức trong chi tiêu công, nhất là các dịch vụ công ích (thu gom xử lý rác, nước thải, chăm sóc cây xanh, duy tu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội…).

Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn đầu tư thông qua việc đấu thầu cạnh tranh rộng rãi, tăng cường giao quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cho phép doanh nghiệp, tư nhân tham gia việc cung cấp các dịch vụ công nhằm tăng hiệu quả phục vụ, tiết kiệm chi phí cho các lĩnh vực này, góp phần giảm áp lực cho ngân sách.

Riêng đối với lĩnh vực đầu tư công, thực hiện linh hoạt, đồng bộ các cơ chế, chính sách; tăng cường huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trên các lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục-đào tạo, thể dục-thể thao... nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm áp lực cho ngân sách thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai và một phần ngân sách bảo đảm cho nhà đầu tư hoạt động hiệu quả sớm thu hồi vốn.

* Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ: Bảo đảm quyền được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ cho mọi đối tượng

Hiện nay, việc xã hội hóa dịch vụ công ở Đà Nẵng được tập trung thực hiện tại các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Số lượng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công được thành lập ngày càng nhiều, từng bước khẳng định được chỗ đứng trong mạng lưới dịch vụ ở thành phố như:

Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện đa khoa Gia Đình; các trường: Đại học Duy Tân, Đại học Đông Á, Hệ thống Giáo dục chất lượng cao Sky-Line… Một số dịch vụ trước đây vốn chỉ thuộc Nhà nước đã được mở rộng dưới hình thức cổ phần hóa hay doanh nghiệp tư nhân cung ứng như môi trường đô thị, cấp nước sạch, công chứng, đào tạo nghề, hoạt động thể thao, văn hóa - nghệ thuật…

Năm 2017, ngành y tế thành phố thực hiện tự chủ đối với 5 bệnh viện lớn là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Mắt, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Một số ngành dịch vụ về văn hóa, truyền hình, công nghệ thông tin, truyền thông cũng đã nâng dần mức độ tự chủ. Bên cạnh đó, thành phố đang thực hiện cổ phần hóa 4 đơn vị sự nghiệp công ích.

Nhưng nhìn chung, số lượng các dịch vụ này chưa nhiều; vẫn xảy ra tình trạng quá tải tại các đơn vị sự nghiệp công như tại các bệnh viện, trường học.

Để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cần đánh giá tổng thể năng lực thực hiện giữa khu vực công và tư; xây dựng hành lang pháp lý cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi khả thi để khuyến khích việc chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp bán công và công lập sang hình thức tư thục, đặc biệt các trường học cần tăng khả năng tự chủ, xã hội hóa các bệnh viện công; có định hướng cụ thể trong quá trình xã hội hóa để bảo đảm quyền được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ cho mọi đối tượng, thành phần trong xã hội, bảo đảm chính sách trợ giúp trực tiếp các nhóm yếu thế như người nghèo, đối tượng chính sách…

Đồng thời, phải ưu tiên nguồn lực Nhà nước để hỗ trợ phát triển các dịch vụ có tính chất đặc thù hay phúc lợi như văn hóa cổ truyền, văn hóa đọc, bảo trợ đối tượng xã hội…

* Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố: Tăng cường vai trò giám sát, phản hồi của người dân

Sự mở rộng của nền kinh tế thị trường phát sinh nhiều nhu cầu xã hội mới, nhất là khác biệt về nhu cầu giữa các đối tượng, thành phần và địa phương khác nhau (đô thị, nông thôn). Sự thay đổi như vậy luôn tạo áp lực về mọi mặt (năng lực tổ chức, quản lý, ngân sách…), vượt quá khả năng cung ứng và quản lý của Nhà nước. Do đó, xã hội hóa dịch vụ công là xu hướng tất yếu mà tất cả các địa phương đều phải phát huy trong quá trình xây dựng và phát triển.

Để xã hội hóa dịch vụ công được thực hiện hiệu quả, thành phố cần phân loại, phân kỳ theo từng giai đoạn; xác định rõ loại dịch vụ công cần được xã hội hóa. Tăng cường cơ chế, chính sách cho khu vực tư nhân tiếp tục tham gia cung ứng khu vực công kém hiệu quả hiện nay như: nhà ở xã hội, xây dựng đường sá, xử lý chất thải rắn, cây xanh cảnh quan đô thị…

Cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công trong khu vực Nhà nước; tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, HĐND các cấp và nhất là vai trò của người dân nhằm bảo đảm lợi ích cộng đồng thông qua những tiêu chí, tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng cung ứng dịch vụ, trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp tự chủ cũng như của các cơ sở ngoài công lập theo các quy định của pháp luật.

* Ông Đặng Đức Vũ, Thành viên HĐQT, Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng: Đầu tư dịch vụ môi trường nhiều hơn

Ngay sau khi thực hiện cổ phần hóa, doanh thu của đơn vị đạt mức tăng trưởng ấn tượng, lần đầu tiên thành phố nhận được phần lợi nhuận cổ tức trên vốn đầu tư từ đơn vị hơn 1 tỷ đồng. Sau thời gian thua lỗ kéo dài, nay đã có lãi (hơn 15 tỷ đồng); quỹ lương của đơn vị tăng 9 tỷ đồng so với năm 2015; lương của cán bộ, nhân viên và người lao động bình quân tăng từ 4,6 triệu đồng lên 5,3 triệu đồng/người/tháng.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường, đơn vị đã chú trọng đầu tư mua sắm thêm 5.000 thùng rác mới, 4 xe cuốn ép tiên tiến, đầu tư bể xử lý bồn tự hoại, nâng cấp hoạt động của bãi rác Khánh Sơn… cùng nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại khác…

Qua hơn 1 năm triển khai xã hội hóa dịch vụ môi trường theo định hướng của thành phố không chỉ mang lại nguồn lợi cho Nhà nước, chúng tôi đã phát huy được tính tự chủ, chủ động nguồn vốn để nâng cao chất lượng phục vụ.

* Ông Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng: Xã hội hóa để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Năm 2017, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng là một trong 5 đơn vị thuộc Sở Y tế Đà Nẵng thực hiện tự chủ chi thường xuyên, giá viện phí của năm 2017 trở đi được tính vào phần trả lương cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, góp phần giảm chi phí và tiết kiệm cho ngân sách địa phương.

Hiện nay, công suất của bệnh viện chỉ 900 giường trong khi số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh nội trú tại bệnh viện gần 1.600 giường và mức độ tăng dần từ 12-15%/ năm. Trong đó, 95-97% người dân sử dụng bảo hiểm y tế.

Với quy mô như hiện nay, đơn vị chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, dịch vụ cung ứng của bệnh viện vẫn chủ yếu theo bảo hiểm y tế. Trong tương lai, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, thành phố có chủ trương liên doanh, liên kết theo hợp tác công - tư để xây dựng bệnh viện giai đoạn hai với mục tiêu nâng số giường lên trên mức thực kê là 1.600 giường bệnh. Mở thêm nhiều dịch vụ, bảo đảm đáp ứng mọi nhu cầu của người dân như khu khám chữa bệnh cao cấp, khu dịch vụ theo yêu cầu của người bệnh, khu dịch vụ đặc biệt…

KHÁNH HÒA ghi

.