Kinh tế
Xây dựng thành phố thông minh: Bắt đầu từ những tiện ích đô thị
Khái niệm Đà Nẵng - thành phố thông minh (smart city) xuất hiện từ khá lâu trong các ý tưởng, các đề tài nghiên cứu về Đà Nẵng, song hành với các cụm từ như “thành phố đáng sống”, “thành phố môi trường”. Thời gian gần đây, mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh ngày càng được đề cập nhiều.
Quy hoạch đô thị tạo ra các chức năng hỗn hợp thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí… Trong ảnh: Người dân Đà Nẵng vui Xuân Đinh Dậu ở công viên bờ tây sông Hàn.Ảnh: Minh Trí |
Tuy nhiên, với phần lớn người dân, thành phố thông minh vẫn là khái niệm mới mẻ, ngay cả đối với hệ thống quản lý thì khái niệm này cũng hết sức trừu tượng. Có thể hiểu nôm na, thành quả của thành phố thông minh chính là mang lại tiện ích cho người dân, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Và trong nhiều tiêu chí cần phải đạt được khi xây dựng thành phố thông minh (kinh tế thông minh, giao thông thông minh, quản lý đô thị thông minh hay cuộc sống thông minh…), tiện ích đô thị luôn là mục tiêu cơ bản nhất.
Tăng cường hoạt động chức năng các nhà ở xã hội
Thực tế, việc phân tán dân cư và hoạt động chức năng đơn lẻ là sản phẩm của phương pháp quy hoạch kiểu phân khu cứng nhắc. Hay như việc tổ chức hệ thống trung tâm công cộng đô thị theo kiểu tầng bậc đã bộc lộ nhiều bất cập qua thực tiễn cuộc sống, trước hết là sự buồn tẻ đến mức thiếu sức sống.
Nếu có dịp ghé qua các khu tái định cư, nhà ở dành cho công nhân, ký túc xá sinh viên tập trung hay các khu chung cư nhà ở xã hội, chúng ta không tránh khỏi suy ngẫm, bởi sự nghèo nàn của hệ thống dịch vụ công cộng, thiết chế văn hóa hay các tiện ích đô thị.
Điều này tạo sự bất công xã hội khi sinh viên nội trú của trường đại học hay công nhân của các khu công nghiệp tập trung ít được thụ hưởng những tiện ích của đô thị vì phần lớn chúng đều tập trung ở khu vực trung tâm thành phố.
Quy hoạch đô thị tạo ra các chức năng hỗn hợp mà ở đó thỏa mãn cơ bản các nhu cầu ăn ở, vui chơi giải trí, làm việc, học tập; không gian đô thị được tích hợp sẽ hạn chế việc đi lại, là một trong những giải pháp cần thiết phải được thực hiện góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trong tương lai.
Dễ dàng nhận biết không gian đô thị
Không gian đô thị ngày càng được mở rộng, chất lượng cảnh quan ngày càng được quan tâm. Các tiêu chí về mỹ quan hay hiện đại luôn là mục tiêu mà một đô thị thông minh đang hướng đến. Tuy nhiên, điều mà người dân hay du khách rất cần khi sống, di chuyển, trải nghiệm trong một thành phố chính là sự thuận tiện trong nhận biết không gian.
Làm thế nào có thể nhận biết từ xa nơi người ta cần đến; làm thế nào thuận lợi để tìm thấy một địa điểm cần tìm; sự đa dạng về hình thức, nhiều cung bậc cảm xúc khi trải nghiệm luôn là mong muốn của mọi người, không chỉ du khách mà ngay cả những người sống và lớn lên trên chính thành phố đó.
Thực tế, kiến trúc đô thị thời gian qua hầu hết tạo ra những con đường giống nhau, các dãy phố giống nhau, những hàng cây hay trụ đèn chiếu sáng giống nhau… Sự giống nhau này khiến du khách và người địa phương cảm thấy nhàm chán, đôi khi cảm giác “lạc lõng” khi di chuyển trên một tuyến đường dài bất định.
Cho nên, việc tạo ra những điểm nhấn kiến trúc, những không gian có giá trị “nơi chốn”, phát huy sắc thái không gian cảnh quan đặc trưng, hình thành những tuyến cảm thụ rất cần thiết để giúp con người cảm nhận trình tự của các lớp không gian, chứ không đơn thuần là những tuyến đường giao thông phục vụ việc đi lại.
Nâng cao các tiện ích đô thị
Để tiến đến một thành phố thông minh, chúng ta còn quá nhiều việc cần phải làm, trong đó bắt đầu bằng những tiện ích đô thị tưởng chừng thật giản đơn nhưng sẽ mang đến cho người dân, du khách sự thoải mái khi di chuyển trong không gian, tham gia mọi hoạt động của đô thị.
Thực tế, tiện ích đô thị hiện nay còn khá nhiều bất cập. Bất cập từ hệ thống bảng hiệu giao thông, tổ chức giao thông, bãi đỗ xe, trạm xe buýt đến những việc tưởng chừng rất nhỏ như nhà vệ sinh công cộng ở đâu, hay làm thế nào tìm thấy trạm ATM gần nhất…, tất cả cần được cung cấp đầy đủ và nhanh chóng.
Việc sử dụng một chiếc điện thoại thông minh, thông qua việc quét mã QR, người dân có thể biết đầy đủ thông tin về một địa điểm không còn là ý tưởng quá xa lạ, đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng, đây là xu hướng giúp đơn giản hóa việc cung cấp thông tin tới du khách mà các cơ quan chức năng nên sớm triển khai.
Bên cạnh đó, sớm khắc phục những lỗi tưởng chừng nhỏ nhưng sẽ là rào cản cho tiến trình xây dựng một thành phố thông minh như: biển báo chỉ dẫn giao thông quá nhiều, vừa mất mỹ quan, vừa gây loạn thông tin; không ít vạch kẻ lối đi bộ băng qua đường hướng ngay vào một gốc cây hay trụ điện; hay vỉa hè dành cho người đi bộ có vô số chướng ngại vật…
Thêm nữa, việc quan tâm đến người già, trẻ em, người khuyết tật… trong mọi hoạt động của đô thị, từ lối đi bộ thuận tiện, tiếp cận dễ dàng các công trình công cộng (thang máy, ram dốc) đến việc có khu vệ sinh riêng, có thang nâng khi lên xe buýt, có chỗ ngồi riêng trên các khán phòng hay sân vận động… cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo sự công bằng xã hội.
Tiện ích đô thị suy cho cùng là một khái niệm mang tính thực tiễn đáp ứng những nhu cầu đơn giản trong việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày của cuộc sống. Nâng cao hơn nữa tiện ích đô thị chính là một trong những giải pháp thiết yếu để khái niệm “thành phố thông minh” ngày càng cụ thể hơn, song hành hơn với khái niệm “thành phố đáng sống” mà mỗi người dân thành phố Đà Nẵng luôn tự hào về điều đó.
TÔ HÙNG