Kinh tế
Xe buýt trợ giá dần có khách - Bài 1: Người dân dần quen với xe buýt trợ giá
Được đánh giá là thân thiện và giá rẻ, thế nhưng sau hơn 2 tháng đưa vào khai thác 5 tuyến xe buýt trợ giá quả thực là “vạn sự khởi đầu nan” khi lượng khách đi trên những tuyến xe này quá ít. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự nỗ lực rất lớn từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính chất lượng phục vụ trên những chuyến xe buýt này đã bắt đầu được hành khách ủng hộ.
Tuyến xe buýt số 12 khá đông khách. Ảnh: P.V |
Có mặt trên chuyến xe buýt trợ giá Phạm Hùng - Thọ Quang, ấn tượng đầu tiên mà tôi cảm nhận, đó là chuyến xe rất sạch sẽ, thoáng mát. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là chuyến xe rất vắng khách, chỉ có tôi và 3 hành khách.
Bắt chuyện với tôi, Hoàng Thị Yến Nhi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đi trên chuyến xe cho biết: “Em mới tham gia sử dụng dịch vụ xe buýt này, nhưng cũng không thường xuyên lắm. Ưu điểm là xe sạch, thoáng, trời nắng có máy lạnh mở 24/24 giờ, và rất đúng giờ. Nhưng có lẽ do mới hoạt động nên chưa thu hút được nhiều khách tham gia”.
Trên đường đi thăm con ở chung cư Vũng Thùng, bà Lê Thị Bốn (74 tuổi) tỏ ra rất hài lòng với chất lượng của xe buýt: “Tôi cũng mới đi loại buýt này được vài ba lần, nhưng thấy thuận tiện, xe chạy đúng giờ, ghế ngồi thoải mái, ngăn nắp, thái độ phục vụ của lái xe, phụ xe rất nhiệt tình.
Trước đây, mỗi lần đi thăm con, cháu phải chờ người về chở đi rất bất tiện, giờ có tuyến xe này, lúc nào thấy nhớ con, nhớ cháu là lên xe ra thăm thôi, không phải đợi chờ như trước đây nữa”.
Chị Nguyễn Thị Nga, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Nhà tôi ở đường Ông Ích Đường nên đi làm khá xa, giờ có xe buýt, tôi không đi xe máy nữa mà chuyển qua đi xe buýt, vừa an toàn, vừa đỡ tốn kém, vả lại không sợ nắng, mưa gì cả”.
Trần Diễm Thúy, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho hay: “Trước đây, em đi học bằng xe đạp từ đường Xuân Diệu đến trường cũng khá mệt, giờ có xe buýt đi ngang trường nên em chuyển sang đi xe buýt rất tiện, giá chỉ có 5.000 đồng không quá đắt đối với sinh viên chúng em”.
Với tần suất 20 phút/chuyến vào giờ bình thường và 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm, thời gian hoạt động của các tuyến từ 5 - 21 giờ hằng ngày, đến nay, 5 tuyến xe buýt trợ giá gồm số 5, 7, 8, 11, 12 đi vào hoạt động hơn 2 tháng.
Trên xe buýt tuyến số 12 đi theo lộ trình Hoàng Sa - Lê Đức Thọ - Yết Kiêu - Ngô Quyền - Trần Thánh Tông - Khúc Hạo - Lý Nhật Quang - Chu Huy Mân - cầu Thuận Phước - Xuân Diệu - 3 Tháng 2 - Đống Đa - Lý Tự Trọng - Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương - Hàm Nghi - Lê Đình Lý - Duy Tân - cầu Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Thoại - Trạm xe buýt Trường Sa, khách trên xe không nhiều, mặc dù xe đi qua nhiều tuyến phố trung tâm.
Tài xế xe buýt này cho hay: “Khách đi nhiều nhất vào giờ cao điểm từ 5 giờ 30 - 7 giờ và từ 16 - 18 giờ, các giờ khác ít người đi. Hành khách chủ yếu là học sinh, sinh viên; còn công nhân, viên chức chưa nhiều”.
Tuyến số 5 Nguyễn Tất Thành - Xuân Diệu và tuyến số 11 Xuân Diệu - Siêu thị Lotte Mart mặc dù không đông khách bằng tuyến số 12 và số 7, nhưng lượng khách trên xe cũng đã nhiều hơn rất nhiều so với trước đây. Tài xế Lê Minh Dũng (tuyến số 11) cho biết: “Lượng khách hiện giờ đã gấp 4 lần so với mới khai trương”.
Cảm nhận của chúng tôi sau khi đi một vài tuyến xe buýt nhanh là hài lòng, di chuyển an toàn, chi phí thấp hơn so với phương tiện cá nhân, mật độ xe buýt các tuyến khá dày. Tuy nhiên, tại một vài điểm đón khách của xe buýt, các loại phương tiện khác lấn chiếm đậu đỗ, buộc xe buýt phải đậu phía ngoài để đón, trả khách dễ gây nguy hiểm cho hành khách.
THÀNH LÂN - THANH SƠN