Kinh tế
Cần không gian thực nghiệm cho khởi nghiệp
Không gian thực nghiệm (tên tiếng Anh “makerspace”) là những xưởng chế tác quy mô nhỏ dành cho các sản phẩm mẫu thử nghiệm. Đây được xem là “bà đỡ” cho các dự án khởi nghiệp liên quan đến chế tạo, sản xuất. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng hiện rất thiếu những không gian như vậy.
Máy móc, không gian sản xuất là nhu cầu thiết yếu của các dự án khởi nghiệp trên nền tảng chế tạo, sản xuất. Trong ảnh: Học sinh thực hành chế tác tại xưởng của Fablab Đà Nẵng. |
Không có nơi để sản xuất
“Nôi TOB” là một trong những dự án khởi nghiệp đầu tiên được Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) ươm tạo, với sản phẩm chính là nôi trẻ em đa năng, tích hợp với xe lắc, xe đẩy, máy phát nhạc, đọc truyện… Anh Đặng Hòa Gia Huy (cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng), người sáng lập dự án “Nôi TOB”, cho biết: “Trong hai năm đầu khởi nghiệp, nhóm nhiều lần tưởng như bỏ cuộc vì không có không gian và dụng cụ chế tạo”. Chặng đường gian nan của chiếc nôi đa năng bắt đầu từ việc sản xuất mẫu thử nghiệm. Theo anh Huy, đây là cột mốc quyết định của các nhóm khởi nghiệp sản xuất, bởi các nhà đầu tư sẽ nhìn vào sản phẩm mẫu để đánh giá có nên rót vốn cho dự án hay không. Bản thiết kế chiếc nôi đã hoàn tất, nhưng mẫu thử nào đặt làm ở các xưởng sản xuất cũng đều không đúng như mong muốn. Huy nhớ lại: “Sau nhiều lần như vậy, nhóm quyết định tự tay làm mẫu thử với các dụng cụ mượn ở một xưởng cơ khí quen. Làm tổng cộng 5 mẫu, cả 5 đều bị nhận xét là giống như… đồ chơi trẻ em”. Cuối cùng, “Nôi TOB” đành mua 2 chiếc nôi khác nhau từ trang web bán hàng trực tuyến Alibaba (Trung Quốc) về để “mổ xẻ”, nghiên cứu vật liệu, các khớp nối,… rồi tìm các nhà cung ứng cho từng bộ phận. “Tưởng vậy là xong, ai dè không nơi nào chịu sản xuất 1-2 mẫu, nếu chịu thì với mức giá rất đắt, túi tiền của sinh viên không kham nổi”, Huy nói.
Câu chuyện của “Nôi TOB” được không ít bạn trẻ khởi nghiệp chia sẻ. Anh Bùi Phước Lai, Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng cho biết, đã từng có nhóm khởi nghiệp với dự án trồng nấm công nghệ cao rất có tiềm năng, cuối cùng lại gặp khó khăn ở khâu… làm giàn cho nấm. Không có đủ dụng cụ, các “nông dân sinh viên” phải đi đến các tiệm cơ khí để đặt hàng bộ phận với giá không rẻ. Nhiều dự án khởi nghiệp trên nền tảng cơ khí – điện tử của sinh viên Đà Nẵng cũng gặp khó khăn tương tự. Điển hình như mô hình trồng rau thủy canh thông minh Greendy (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng), hệ thống điều hướng pin mặt trời Tobsolar (Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và Trường ĐH Kinh tế), kính thông minh giúp người khuyết tật Handi Glass (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng)…
Xây dựng cơ sở hạ tầng khởi nghiệp
TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Giám đốc Phụ trách Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt – Anh (VNUK) khẳng định: “Không gian thực nghiệm có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp, thậm chí còn quan trọng hơn cả không gian làm việc chung (co-working space). Lý do là vì khởi nghiệp không chỉ dựa vào công nghệ, mà còn dựa vào chế tạo và sản xuất”.
Trong khi đó, Đà Nẵng hiện nay hầu như chưa có không gian thực nghiệm dành cho khởi nghiệp. Duy chỉ có Fablab Đà Nẵng (viết tắt của “Fabrication Laboratory” – tức “phòng thí nghiệm chế tạo”) thuộc mạng lưới Fablab quốc tế, do Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) sáng lập là có cách thức hoạt động tương tự một không gian thực nghiệm. Fablab Đà Nẵng là không gian mở cho cộng đồng, cung cấp các thiết bị như máy in 3D; máy quét 3D; máy cắt, khắc gỗ và kim loại cùng một số dụng cụ gia công chế tác khác. Tuy nhiên, từ khi thành lập (năm 2015) đến nay, Fablab Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ tinh thần và năng lực sáng chế cho học sinh phổ thông thông qua các khóa huấn luyện, cuộc thi… chứ chưa hoạt động mạnh trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Anh Nguyễn Bá Hội, đồng sáng lập viên Fablab Đà Nẵng cho biết, bắt đầu từ năm 2017, Fablab sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế tạo. Dự kiến giữa năm nay, Fablab cùng ĐH Đà Nẵng - với sự tài trợ từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Đại học Arizona State (Mỹ) - sẽ cho ra đời một không gian thực nghiệm có quy mô lớn tại Đà Nẵng, trực tiếp hỗ trợ cho khởi nghiệp. Theo thiết kế, không gian này sẽ có các khu chế tác riêng cho từng loại nguyên liệu, được trang bị máy móc có công nghệ tiên tiến (như máy cắt laser trên gỗ, máy cắt bằng tia plasma, máy in 3D công suất lớn...). Mục tiêu đặt ra là đến giữa năm 2017, có ít nhất một doanh nghiệp có thể vươn ra tầm khu vực nhờ các cải tiến trong sản phẩm hoặc dịch vụ.
Theo TS Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, xây dựng cơ sở hạ tầng khởi nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng. Từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ có các giải pháp định vị, kết nối các nguồn lực nghiên cứu và phát triển – trong đó có các phòng thí nghiệm, thiết bị phục vụ nghiên cứu phát triển, xưởng chế tạo thực nghiệm,… - trên địa bàn thành phố để có cơ chế chia sẻ, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp tiếp cận nguồn lực này. Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức, doanh nghiệp cũng được khuyến khích hình thành các không gian sáng chế cho cộng đồng.
Bài và ảnh: KHANG NINH