Kinh tế
Cụ thể hóa mức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
* Quy định rõ đối tượng được trợ giúp pháp lý
Ngày 7-4, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Qua thảo luận, đa số đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi, tính kịp thời của dự án luật. Các đại biểu lo lắng, với điều kiện ngân sách như hiện nay, việc thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách chưa mạnh mẽ sẽ khó bảo đảm nguồn lực hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, đề nghị cần cụ thể hóa nội dung hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ tương ứng; việc hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chung chung. Ý kiến khác cho rằng, các nội dung hỗ trợ chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường, có thể dẫn đến tình trạng bao cấp nên cần cân nhắc, thận trọng.
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn đề xuất làm rõ một số khái niệm, điều khoản còn mơ hồ, khó xác định trong dự án luật; cần có cơ chế mạnh hơn để DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng; nên quy định nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan đối với việc hỗ trợ DNNVV thay vì quy định trách nhiệm chung chung; đề nghị đẩy nhanh sửa đổi luật về thuế để bảo đảm tính đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ…
NAM BÌNH
* Chiều cùng ngày, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý từ các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, đại diện các sở, ngành liên quan về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Nhiều ý kiến cho rằng, những nội dung sửa đổi trong luật chưa quy định rõ đối tượng được trợ giúp pháp lý, nhất là đối với các đối tượng như “người cao tuổi”, “trẻ em”, “người khuyết tật” vẫn chưa được quy định một cách rõ ràng, câu từ còn chung chung.
Do đó, hầu hết các ý kiến đều đề nghị sửa đổi, quy định rõ hơn về các đối tượng trợ giúp pháp lý; đồng thời phải bám sát vào các văn bản luật liên quan như: Luật Trẻ em, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Người khuyết tật... để quy định độ tuổi, hoàn cảnh cụ thể. Cũng liên quan đến các đối tượng được trợ giúp pháp lý, hầu hết các ý kiến tán thành với quan điểm cần hạn chế việc mở rộng phạm vi đối tượng, do việc này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề liên quan như kinh phí, nguồn nhân lực phục vụ.
Về việc xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, một số ý kiến cho rằng dự thảo luật chỉ chú trọng đến việc huy động luật sư, các tổ chức luật sư và tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý mà chưa tạo điều kiện để phát huy hết vai trò của các tổ chức, cá nhân có điều kiện và khả năng tham gia trợ giúp pháp lý; đề nghị cần tiếp tục đa dạng hóa, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý.
Đối với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, có ý kiến đề nghị trung tâm phải là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố để thuận tiện cho việc quản lý. Riêng với các chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, hầu hết các ý kiến đều đề nghị cần rà soát hiệu quả hoạt động; đồng thời quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập, tránh việc thành lập chi nhánh tràn lan, kém hiệu quả; chỉ nên thành lập tùy theo điều kiện thực tiễn tại địa phương, nên tập trung tại vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
QUỐC KHẢI