Nếu như 1-2 năm trước, hàng Thái Lan chỉ được bày biện khá khiêm tốn trên các quầy, kệ của những siêu thị lớn trên địa bàn Đà Nẵng thì giờ đây sản phẩm của nước này không chỉ tăng số lượng mà giá bán đang có xu hướng giảm mạnh, khiến không ít hàng Việt cùng chủng loại bị lép vế.
Những mặt hàng Thái Lan đang cạnh tranh khuyến mãi với hàng Việt. |
Cạnh tranh khuyến mãi
Dạo một vòng siêu thị Metro, theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan được trưng bày xen kẽ với hàng Việt. Lâu nay, Thái Lan vốn nổi tiếng với các mặt hàng thực phẩm và hóa mỹ phẩm, cho nên các sản phẩm chủ lực đã được dịp trưng ra ở vị trí đẹp nhất trong siêu thị. Phải thừa nhận, về mẫu mã, bao bì, nhiều mặt hàng cùng loại của Việt Nam không so được với hàng Thái Lan, do đó, khi những mặt hàng này được bài trí cạnh nhau, ít nhiều hàng Việt bị “lép vế”.
Không chỉ Metro, siêu thị Big C cũng đã đưa lên kệ nhiều mặt hàng nguồn gốc Thái Lan. Phổ biến nhất là nước xả vải, nước giặt quần áo. “Dù vẫn tin dùng loại bột giặt của Việt Nam nhưng tôi lại thích dùng nước xả của Thái Lan hơn bởi độ đậm đặc và thơm lâu. Trước đây, khi hàng Thái chưa vào siêu thị, tôi cũng dùng các loại Comfort, Downy của Việt Nam nhưng từ khi có hàng Thái thì mua luôn cho tiện”, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết. Trong khi chúng tôi loay hoay so sánh giá giữa hai sản phẩm dầu gội thì một chị mua hàng khác đang lựa hàng cũng nói xen vào: “Trước giờ hàng Thái vốn nổi tiếng về chất lượng, nay vào siêu thị lại thấy giá cả khá ổn nên tôi cũng mua về dùng thử xem sao. Nếu thấy tốt thì lần sau mua tiếp”.
Hàng Thái Lan vốn đã chiếm được cảm tình của không ít người tiêu dùng Việt, nay các nhà bán lẻ muốn kích cầu người tiêu dùng đã cho “chạy” nhiều chương trình khuyến mãi giá tốt. Tại khu bán gạo, siêu thị ưu tiên riêng một khu vực cho gạo Thái Lan với đủ chủng loại, giá cả từ bình dân đến cao cấp. Bên cạnh những kệ gạo luôn có nhân viên túc trực sẵn sàng hỗ trợ khách hàng. Các sản phẩm khác như gia vị, cá hộp, sữa đặc, phồng tôm cho trẻ em, mì gói Thái Lan... cũng được bày biện bắt mắt. Tuy chưa chiếm ưu thế về số lượng so với hàng Việt, nhưng tại siêu thị Metro, Big C, giá cả đa số các mặt hàng xuất xứ từ Thái Lan khá cạnh tranh; như ở Metro được giảm giá lên đến 49%.
Hàng Việt có đáng lo?
Là một nhà bán lẻ nội địa, bà Phan Như Yến, Giám đốc Siêu thị Intimex Đà Nẵng nhận xét: “Đúng là không chỉ hàng Thái mà hàng hóa của các nước châu Á như Malaysia, Ấn Độ, Philippines cũng đang “ăn đứt” vô số hàng Việt. Nguyên nhân một phần là do tâm lý sính hàng ngoại của bộ phận người Việt, nhưng phần khác là do doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước ít chịu cải tiến hình thức sản phẩm. Chưa nói về chất lượng, chỉ riêng về giá thôi cũng cho thấy bánh kẹo của các nước nói trên đang rẻ hơn hàng Việt. Nếu không có kế hoạch lâu dài, chắc chắn nhiều sản phẩm trong nước sẽ bị hàng Thái qua mặt…”. Mặc dù các siêu thị luôn khẳng định ưu tiên cho hàng Việt, nhưng rõ ràng hàng Thái trong các siêu thị lớn đang xuất hiện ngày một nhiều. Về vấn đề này, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại Hệ thống BigC cho biết, siêu thị vẫn luôn ưu tiên bán hàng Việt thông qua số liệu có tới trên 90% là hàng Việt Nam. Việc bày bán hàng ngoại với mục đích đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhất là đối với khách hàng người nước ngoài đang làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.
Là nhà sản xuất có sản phẩm bày bán tại các siêu thị lớn, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu Hương Quế cho rằng: “Nếu làm ăn chân chính và có đầu tư lâu dài cho sản phẩm thì chúng tôi không lo cạnh tranh với hàng Thái hay bất cứ hàng quốc gia nào. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, gây ảnh hưởng uy tín thương hiệu. Một khi cơ quan chức năng chưa dẹp được vấn nạn hàng giả, hàng nhái thì doanh nghiệp sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, sẽ bị thiệt hại lớn về kinh tế bởi cạnh tranh không lành mạnh”.
Cùng với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được phát động sâu rộng, người dân ngày một ý thức tự tôn hơn đối với sản phẩm trong nước. Thế nhưng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, yêu hàng Việt không có nghĩa bài trừ hàng ngoại. Do đó, theo ông Trần Văn Dư, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, bên cạnh sự vào cuộc vận động của các ngành, các doanh nghiệp phải chịu khó đầu tư cho mẫu mã, chất lượng, cũng như giá thành của sản phẩm để người tiêu dùng không “quay lưng”. Hiện nay, các doanh nghiệp Thái không những đầu tư mạnh vào hệ thống phân phối mà còn đầu tư cho cả khâu sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải từng bước tổ chức lại quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị để làm ra sản phẩm có chất lượng, giá thành hợp lý; đồng thời phải quảng bá thật tốt để giành lại niềm tin của người tiêu dùng.
Bài và ảnh: Duyên Trang