Kinh tế
Vay vốn đóng tàu cá: Ngư dân chọn chính sách của thành phố
Mặc dù Nghị định 67/2014 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản có rất nhiều ưu đãi cho ngư dân trong việc đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi, nhưng ngư dân Đà Nẵng vẫn chọn đóng mới tàu theo chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản (HTPTTS) của thành phố Đà Nẵng.
Từ khi có chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của thành phố, ngư dân mạnh dạn đầu tư, đóng mới tàu lớn vươn khơi xa. |
Khi Nghị định 67/2014 của Chính phủ vừa ban hành, ngư dân Đà Nẵng rất hào hứng, đăng ký hồ sơ bởi nghị định này có rất nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về lãi suất vay để đóng mới tàu. Thế nhưng, sau khi phân tích thiệt hơn, trong đó chú trọng khâu trả nợ ngân hàng, ngư dân đồng loạt rút hồ sơ. Vì vậy, đến nay, số tàu đóng theo Nghị định 67/2014 ở Đà Nẵng rất ít, chỉ có 7 chiếc (hạ thủy 4 chiếc, 3 chiếc đang đóng) trong tổng số chỉ tiêu 47 chiếc mà Chính phủ ưu tiên cho Đà Nẵng.
Không theo Nghị định 67/2014, ngư dân Đà Nẵng lựa chọn đóng tàu theo Quyết định 7068/2012 (nay là Quyết định số 10/2016) về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố (gọi tắt là chính sách HTPTTS). Bởi lẽ, theo phân tích, tính toán của ngư dân, khi đóng một con tàu trên 800CV, ngư dân được thành phố hỗ trợ 800 triệu đồng cùng nhiều hỗ trợ khác như: bảo hiểm, thiết bị hàng hải các loại…
Ông Trịnh Quang Vinh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản thành phố cho rằng, ngư dân chọn đóng tàu theo chính sách HTPTTS của thành phố vì thấy có lợi hơn. Hơn nữa, họ đóng theo nhu cầu thực tế, chứ không dám mạo hiểm đóng con tàu cả chục tỷ đồng rồi không biết khi nào thu hồi vốn. Tính từ thời điểm ra đời của Nghị định 67/2014, số lượng ngư dân đóng mới tàu theo chính sách HTPTTS của thành phố trên 50 tàu, với số tiền thành phố hỗ trợ hàng chục tỷ đồng. Ngư dân Trần Toàn (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) là một ví dụ điển hình. Khi Nghị định 67 ra đời, dù khá hồ hởi nhưng ông đã phân tích rất kỹ về khả năng thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng. Là người có kinh nghiệm lâu năm về khai thác thủy sản, ông đã không đóng mới tàu theo Nghị định của Chính phủ mà chọn đóng mới theo chính sách HTPTTS của thành phố. Ông chia sẻ: “Con tàu đóng mới theo Nghị định 67 giá rất cao, ngư dân sẽ khó thu hồi vốn, dễ nợ nần Nhà nước. Vì vậy, mặc dù gia đình tôi có đủ điều kiện để đăng ký theo Nghị định 67, nhưng tôi không lựa chọn hình thức này. Do đó, từ năm 2014 đến nay, gia đình tôi đã đóng mới 2 tàu vỏ gỗ theo chính sách HTPTTS của thành phố. Qua đó, thành phố đã hỗ trợ 800 triệu đồng/tàu, cùng nhiều hình thức hỗ trợ khác”.
Hai quận Sơn Trà và Thanh Khê có số lượng ngư dân đóng tàu mới theo chính sách này nhiều nhất. Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, từ khi thành phố đề ra chính sách HTPTTS vào năm 2012, hàng chục ngư dân của địa phương này đóng mới tàu công suất lớn. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, có 10 trường hợp đăng ký đóng tàu mới theo chính sách này. “Ngư dân luôn biết tính toán thiệt hơn khi lựa chọn giữa đóng tàu theo Nghị định 67/2014 và chính sách của thành phố. Bởi lẽ, đóng một con tàu cả chục tỷ đồng phải có vốn đối ứng lớn; trong khi đóng con tàu 3-4 tỷ đồng, có công suất trên 800CV thì được thành phố hỗ trợ một khoản tiền lớn. Do đó, rất dễ hiểu khi ngư dân lựa chọn chính sách HTPTTS của thành phố. Cũng nhờ vậy, những năm gần đây, lượng tàu lớn của quận Sơn Trà liên tục tăng, đáp ứng nhu cầu phát triển thủy sản xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, bà Trần Thị Thanh Tâm chia sẻ.
Ngư dân Trần Minh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cũng khẳng định, ngư dân khó bề lựa chọn đóng mới theo Nghị định 67 vì vốn liếng, nhất là vốn đối ứng cao và phải lựa chọn kỹ càng. Trong khi đóng mới theo chính sách HTPTTS của thành phố, người dân có rất nhiều thuận lợi. Trong đó được tự do thiết kế mẫu mã cũng như máy móc thiết bị. Đặc biệt, sau khi hạ thủy, việc thanh toán kinh phí hỗ trợ khá nhanh nên ngư dân rất hài lòng.
Ở quận Thanh Khê, từ khi có Nghị định 67/2014, ngư dân Thanh Khê chỉ có một cá nhân đăng ký và đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định này, còn lại đóng mới theo chính sách HTPTTS của thành phố. Theo Phòng Kinh tế quận, đến nay, toàn quận có hơn 15 trường hợp đóng mới tàu, trong đó nhiều gia đình đóng 2 chiếc. Đơn cử, sau 4 tháng khởi công, ngày 21-3-2017, ngư dân Thái Vinh Ngộ (trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) hạ thủy con tàu vỏ gỗ làm nghề câu mực có công suất gần 1.000CV, vươn khơi tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Thời gian đến, ngư dân Thái Vinh Ngộ cho biết sẽ đóng thêm từ 1-2 con tàu lớn để đánh bắt, khai thác lươn biển cũng như làm dịch vụ hậu cần ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, chính sách HTPTTS của thành phố là điểm tựa vững chắc cho ngư dân Đà Nẵng. Thành phố không chỉ hỗ trợ cho ngư dân bằng nguồn tiền 500 - 600 - 800 triệu đồng/tàu, tùy thuộc vào công suất tàu, mà còn hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, máy định vị, ICOM...; qua đó giúp ngư dân Đà Nẵng tự tin vươn khơi phát triển kinh tế, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hạ thủy tàu vỏ thép hơn 17 tỷ đồng Ngày 2-4, tại Công ty CP Kỹ thuật biển S.Tech (Âu thuyền Thọ Quang), gia đình ông Đào Lê Minh Tâm (trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) hạ thủy tàu vỏ thép ĐNa 90945 đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tàu có công suất 822CV với chiều dài 27m, rộng 7,1m, cao 3,5m, tổng vốn đầu tư 17,6 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay 95% số vốn, vốn đối ứng của gia đình 5%. Ông Minh Tâm cho biết, tàu ĐNa 90945 hành nghề lưới vây và lưới xù tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là tàu vỏ thép đầu tiên của quận Thanh Khê đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Như vậy, đến nay, thành phố Đà Nẵng có 4 tàu vỏ thép trong số 7 tàu đóng mới theo Nghị định 67. AN NHIÊN |
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ