Kinh tế
Đi chợ đồ cũ
“Chợ đồ cũ giá tốt” hình thành khi nhu cầu của người dân muốn tận dụng những món hàng cũ để sử dụng mà không phải chi trả số tiền lớn để sắm đồ mới. Xu hướng mua bán này đang phát triển rầm rộ tại Đà Nẵng trên tinh thần “thuận mua vừa bán”.
Bên trong một cửa hàng mua bán đồ cũ. |
Tâm lý muốn thay đổi một cái gì đó cho mới mẻ đối với bản thân hoặc căn nhà của mình khi có điều kiện kinh tế là lý do khiến cho thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm “mua của người chán, bán cho người cần”. Nắm bắt được nhu cầu rất đỗi tự nhiên đó, nhiều “chợ đồ cũ” mọc lên ngày một nhiều. Đến những điểm kinh doanh đồ cũ kiểu này, khách hàng dễ dàng tìm thấy cho mình những món hàng ưng ý, thậm chí là gặp may khi nhiều sản phẩm đi tìm quanh cũng không có. Đó là những bộ bàn ghế, ly chén, tách, máy lạnh, máy hàn, máy massage, đồ trang trí, vật dụng chế biến thực phẩm, đồ chơi trẻ em, hàng thời trang… đã qua sử dụng nhưng nhìn còn rất mới và nhất là hữu ích với người cần. Không hẳn quy mô như một cái chợ, nhưng các cửa hàng đồ cũ trên địa bàn có “tất tần tật” những gì mình cần mua.
Anh Nguyễn Đình Dũng, một công nhân cán thép vừa xin nghỉ việc cho biết: “Gia đình mình đang tính mở quán cà-phê nhỏ ở góc khu công nghiệp Hòa Khánh, nhưng thấy việc đầu tư mới đồ nghề sẽ mất rất nhiều tiền, trong khi mục đích của mình là buôn bán nhỏ mưu sinh qua ngày, nên không thể sắm sửa quá số tiền cho phép. Tình cờ người bạn mách nước đến chợ đồ cũ, mình đã có được vô số đồ dùng phục vụ cho việc bán cà-phê. Giá rẻ chỉ bằng 1/3-1/4 so với đồ mới, vừa tiết kiệm lại vừa không lo sau này thanh lý bị lỗ”. Theo tìm hiểu, những sản phẩm đồ cũ (mặc dù không hẳn đã cũ), vì nhiều lý do, chủ sử dụng của chúng muốn bán cho các cửa hàng. Dẫn chúng tôi tham quan kho chứa đồ cũ trên con hẻm giao giữa đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Phước Nguyên, quận Thanh Khê, chị Hồng Loan giới thiệu: “Hàng ở đây đa dạng lắm, có cả hàng công ty thanh lý, có cả hàng cơ sở, đồ cá nhân, gia đình. Giá dễ chịu lắm, các em thích thứ gì cứ nói chị cho người lấy ra. Tuy không bảo hành như đồ mới, nhưng chị đảm bảo đồ dùng vẫn rất tốt, ít nhất vài năm trở lên, tùy món. Mua xong được chở về giao tận nơi không tính phí…”.
Hằng ngày, tại nhiều điểm bán đồ cũ trên đường Lê Văn Hiến, Điện Biên Phủ, Kỳ Đồng, Đặng Dung… vẫn luôn tấp nập người ra vào. Với tính chất “chợ”, việc mua bán cũng có sự kỳ kèo trả giá vô tư, chẳng hạn như với cái tủ nhựa đựng quần áo, chủ cửa hàng thách giá 300.000 đồng, khách hàng thích chỉ cần trả 100.000 đồng, rồi nâng lên 120.000 đồng cho đến khi thỏa thuận theo giá thực. Có khi người bán không nói thách nhiều, chỉ vài chục ngàn đồng hoặc có thể bớt 5.000-10.000 đồng hoặc không. Nói chung tùy vào nhu cầu cụ thể và giá trị món hàng mà giữa chủ và khách đi đến quyết định cuối cùng mua hay không. Chị Trần Thị An, chủ cửa hàng đồ cũ hẻm 82 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu chia sẻ: “Nếu tinh ý một chút mấy bạn hoàn toàn có thể chọn được cho mình những bộ đồ tuy cũ mà không khác gì mới. Nếu mua thường xuyên, bí quyết có thể là sự giao tiếp thân thiện với chủ cửa hàng và khi cần những món hàng gì chỉ cần việc gọi điện cho chủ để đặt, người quen biết sẽ được ưu ái hơn”. Hiện nay, các trang mạng cũng hoạt động khá sôi động nhờ số người truy cập mạng rất lớn.
Đồ cũ rất phong phú cho mọi đối tượng, mọi giới. Tuy nhiên, đã có những cảnh báo rất đáng lưu ý là khi mua hàng trên các diễn đàn này cũng cần có kinh nghiệm. Có những điểm kinh doanh hàng đồ cũ hét giá trên trời với lời quảng cáo là hàng xịn, hàng hiệu nhập ngoại… Khách hàng cần tỉnh táo để tránh bị mắc lừa. Giờ đây, chợ đồ cũ đã không còn xa lạ với người dân Đà Nẵng bởi tính chuyên nghiệp và thiết thực, là địa chỉ tìm tới của những người cần bán – cần mua hiệu quả.
Bài và ảnh: DIỆP NHƯ